Theo hãng tin Axios, Tổng thống Trump tuyên bố đây là lô vũ khí "tốt nhất, tiên tiến nhất", trị giá lên tới hàng tỉ USD. Một nguồn tin thân cận tiết lộ rằng trong "làn sóng đầu tiên", Mỹ sẽ chuyển giao số vũ khí trị giá khoảng 10 tỉ USD cho các đồng minh châu Âu, trong đó có hệ thống phòng không, đạn pháo và đặc biệt là tên lửa tầm xa có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump cam kết sẽ cấp thêm hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine giữa lúc giao tranh ở khu vực Donetsk và Sumy tiếp tục leo thang.

Tại cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Nhà Trắng ngày 4/7, ông Trump còn tuyên bố sẽ áp mức thuế "thứ cấp" lên tới 100% với bất kỳ quốc gia nào tiếp tục giao thương với Nga nếu Moscow không tìm giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 50 ngày tới.
"Tối hậu thư" này ngay lập tức vấp phải phản ứng từ phía Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Washington tiếp tục con đường đối đầu, không khác gì chính sách của cựu Tổng thống Joe Biden chỉ là dưới một hình thức mới.
“Việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí không thay đổi được cục diện chiến sự mà chỉ khiến xung đột kéo dài thêm,” ông Peskov phát biểu.

Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev thì lên tiếng chỉ trích thỏa thuận giữa Mỹ và NATO, cho rằng nước Mỹ là bên hưởng lợi lớn nhất khi ngành công nghiệp quốc phòng thu về lợi nhuận khổng lồ, còn các nước châu Âu lại gánh thêm chi phí và rủi ro an ninh.
Một số ý kiến khác tại Nga cho rằng “khoảng thời gian 50 ngày” mà ông Trump đưa ra lại là cơ hội để quân đội Nga đẩy mạnh tấn công, giành thêm lợi thế trên thực địa trước khi bị ép ngồi vào bàn đàm phán.
Giới phân tích quốc tế nhận định, động thái tăng tốc hỗ trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine cùng với áp lực thuế quan nhắm vào Nga có thể khiến cục diện chiến trường bước vào một giai đoạn mới căng thẳng hơn.