18 tháng qua, Lầu Năm Góc đã nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ trước thiết bị bay không người lái (drone) tại các căn cứ ở nước ngoài, đặc biệt sau vụ 3 lính dự bị lục quân thiệt mạng trong một cuộc tập kích của dân quân do Iran hậu thuẫn tại Jordan vào tháng 1/2024.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những chiến dịch tấn công bằng drone của Israel và Ukraine đã cho thấy một mối đe dọa tiềm tàng lớn hơn nhiều.
Giới chuyên gia nhận định, việc tình báo Israel sử dụng drone để tập kích phủ đầu hàng loạt hệ thống phòng không của Iran, cùng với chiến dịch "Mạng nhện" của Ukraine nhằm vào các căn cứ oanh tạc cơ chiến lược của Nga, đã minh chứng rõ ràng về mối đe dọa từ drone giá rẻ nhưng hiệu quả.
Ông Andy Lowery, Giám đốc điều hành của Epirus – một công ty chuyên phát triển hệ thống phòng thủ vi sóng – cảnh báo rằng những mẫu drone mới xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường sẽ buộc Mỹ phải đối mặt với một “chiến tranh du kích bằng máy móc”.
Các tập đoàn quốc phòng Mỹ đang đẩy mạnh phát triển những công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống không sử dụng đạn dược mà phát ra chùm năng lượng định hướng để hạ gục nhiều drone cùng lúc.
Quân đội Mỹ đã tiến hành ít nhất hai cuộc thử nghiệm hệ thống vi sóng năng lượng cao ở Trung Đông và Thái Bình Dương, tạo tiền đề cho những khoản đầu tư lớn hơn.
Lầu Năm Góc khẳng định họ đang nghiêm túc xem xét mối đe dọa này và đã thành lập một tổ chức mới do lục quân dẫn đầu để giải quyết vấn đề chiến tranh drone.
Tổ chức này được phỏng theo cơ quan được thành lập cách đây hai thập kỷ nhằm chống lại các thiết bị nổ tự chế (IED) ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng thích ứng của các hệ thống cũ. Dù vậy, các chỉ huy Mỹ, đặc biệt ở Trung Đông, đã tập trung xây dựng mạng lưới phòng thủ đa tầng gồm thiết bị gây nhiễu và các hệ thống phòng không.
Đô đốc Charles B. Cooper II, người được đề cử làm lãnh đạo Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), khẳng định các lực lượng của Washington đã có "những cải thiện đáng kể" sau vụ tập kích ở Jordan, nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đạt được khả năng sẵn sàng tối đa.

Mối đe dọa không chỉ giới hạn ở nước ngoài. Washington từng ghi nhận nhiều vụ drone không rõ nguồn gốc tiếp cận các cơ sở quân sự chiến lược như sân bay Langley và căn cứ hải quân Norfolk, cho thấy lỗ hổng phòng thủ ngay trên lãnh thổ Mỹ.
Theo ông Brose, hệ thống phòng thủ drone mạnh mẽ cần phải kết hợp nhiều phương pháp để vô hiệu hóa mục tiêu, một điều mà các tổ hợp hiện tại của lục quân Mỹ chưa thể đáp ứng.
Các công ty công nghệ chống drone của Mỹ cũng phàn nàn rằng các quy định của chính phủ đang cản trở tốc độ phát triển.