Ông Trump dọa áp thuế 10% với BRICS vì "chống Mỹ, bỏ USD"

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia thuộc nhóm BRICS.

Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 10/7, ông Trump nhấn mạnh mục tiêu của mức thuế là gây áp lực buộc các quốc gia phải xem xét lại tư cách thành viên BRICS. “Chỉ cần là thành viên BRICS, họ sẽ phải trả thuế. Và họ sẽ không muốn duy trì tư cách này lâu đâu”, ông nói.

Tuyên bố của ông được đưa ra đúng thời điểm lãnh đạo các nước BRICS nhóm họp tại Rio de Janeiro (Brazil). BRICS, ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã mở rộng thêm các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và UAE – hình thành một liên minh kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, đại diện cho hơn 40% dân số toàn cầu.

Trum ap thue 2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: THX 

Ông Trump nhiều lần thể hiện quan ngại việc BRICS thúc đẩy giao dịch không dùng USD, xem đó là hành động làm suy yếu vai trò toàn cầu của Mỹ. Từ cuối 2024, ông đã cảnh báo sẽ có biện pháp mạnh nếu các nước BRICS ủng hộ việc phát hành đồng tiền chung hoặc cắt giảm sử dụng USD trong thương mại quốc tế.

Ý tưởng phát hành “đồng tiền BRICS” do Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đưa ra từ năm 2023 nhưng vẫn chưa có tiến triển rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nước BRICS đang chuyển sang thanh toán song phương bằng đồng nội tệ để giảm phụ thuộc vào USD – một bước đi được Washington xem là đáng lo ngại.

Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh lần này cũng nêu mục tiêu phát triển một “hệ thống thanh toán xuyên biên giới” giữa các nước thành viên, thay thế dần vai trò của mạng SWIFT. Giới quan sát cho rằng nếu thành công, hệ thống này có thể giúp các nước như Nga và Iran – vốn đang bị Mỹ trừng phạt – tiếp tục giao dịch quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng gần đây kêu gọi xây dựng một hệ thống tiền tệ quốc tế “đa cực” để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một đồng tiền duy nhất.

Tuy vậy, BRICS vẫn là một khối đa dạng về thể chế và lợi ích. Một số nước thành viên như Ấn Độ, UAE vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, trong khi Nga và Iran lại là đối thủ địa chính trị của Washington. Sự khác biệt này được cho là có thể cản trở việc đạt đồng thuận về các kế hoạch lớn như dùng đồng tiền chung.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng cảnh báo rằng BRICS không nên bị xem như một khối đối đầu với phương Tây. Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự hội nghị lần này – cho thấy liên minh này vẫn chưa là ưu tiên chiến lược cao nhất của Bắc Kinh.

Trong tuyên bố chung tại Rio, lãnh đạo BRICS cũng lên án "các biện pháp thuế quan và phi thuế quan đơn phương" – được hiểu là lời đáp trả chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump.

 
Bình luận