Theo Không quân Ukraine, đây là đợt tấn công "dữ dội nhất" kể từ khi xung đột bắt đầu năm 2022.
Nguồn tin từ The Guardian dẫn lời người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Yuriy Ihnat, cho biết Nga đã phóng tổng cộng 477 UAV và thiết bị mồi nhử, cùng với 60 tên lửa, trong đó 475 mục tiêu đã bị vô hiệu hóa.
Đợt tấn công nhắm đến cả những khu vực ít xảy ra giao tranh trước đây như miền Tây Ukraine. Phía Nga xác nhận đã triển khai vũ khí chính xác tầm xa, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và nhiều UAV nhằm vào các cơ sở công nghiệp, quân sự và nhà máy lọc dầu tại Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố “tất cả mục tiêu đề ra đều đã bị tiêu diệt”, song không công bố thêm chi tiết. Truyền thông Nga khẳng định cuộc tấn công là một phần trong chiến dịch phá hủy năng lực quân sự - kinh tế của Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày lên án hành động của Moskva, cho rằng Nga đã lựa chọn tiếp tục leo thang chiến sự thay vì đàm phán hòa bình. Ông viết trên mạng xã hội: “Moskva sẽ không dừng lại chừng nào họ còn khả năng thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn.”
Theo ông Zelensky, chỉ trong một tuần qua, Ukraine đã phải hứng chịu hơn 114 tên lửa, 1.270 UAV và gần 1.100 bom lượn. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ hệ thống phòng không, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu.
Không quân Ukraine xác nhận một chiếc tiêm kích F-16 – được viện trợ từ phương Tây – đã bị rơi trong khi tham gia đánh chặn. Phi công đã bắn hạ 7 mục tiêu nhưng không kịp thoát thân sau sự cố kỹ thuật và đã thiệt mạng.
Trong khi đó, ít nhất 2 người thiệt mạng và 12 người bị thương, bao gồm 2 trẻ em, theo báo cáo từ chính quyền địa phương. Tại thủ đô Kiev, người dân phải sơ tán khẩn cấp xuống các hầm ngầm và nhà ga tàu điện ngầm khi còi báo động vang lên trên toàn thành phố.
Tỉnh Lviv cũng bị ảnh hưởng nặng khi một vụ tấn công UAV gây cháy lớn tại khu công nghiệp Drohobych, khiến khu vực này mất điện trên diện rộng. Các địa phương khác như Poltava, Mykolaiv, Dnipropetrovsk, Cherkasy và Ivano-Frankivsk đều ghi nhận tiếng nổ.
Bối cảnh leo thang quân sự diễn ra khi các nỗ lực đàm phán hòa bình giữa hai bên tiếp tục bế tắc. Hai vòng đàm phán gần đây tại Istanbul không mang lại kết quả cụ thể. Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán, Ukraine cho rằng các hành động quân sự phủ nhận thiện chí đó.
Cùng ngày 29/6, Văn phòng Tổng thống Zelensky thông báo Ukraine sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi Công ước Ottawa – hiệp ước quốc tế cấm mìn sát thương cá nhân. Nghị sĩ Roman Kostenko cho biết Ukraine không thể tiếp tục bị ràng buộc trong khi Nga không phải bên ký kết và đang sử dụng mìn với quy mô lớn.
Giới quan sát cảnh báo động thái này – cùng với việc năm quốc gia châu Âu khác cũng đang xem xét rút khỏi công ước – có thể dẫn đến một làn sóng tái sử dụng mìn trong khu vực, làm gia tăng rủi ro với dân thường và gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế.