Mỹ chi gần 8.000 tỉ USD cho các cuộc chiến ở Trung Đông và Afghanistan

VOH - Những con số thống kê mới nhất cho thấy Mỹ đã tiêu tốn gần 8.000 tỉ USD cho các hoạt động quân sự kéo dài suốt hơn hai thập kỷ tại Trung Đông, Afghanistan và nhiều khu vực khác.

Các chiến dịch quân sự liên tiếp cùng với khoản chi viện khổng lồ cho đồng minh đã khiến gánh nặng ngân sách quốc phòng của Mỹ trở thành lớn nhất thế giới.

Rạng sáng 22/6/2025 (giờ Iran), Mỹ thực hiện chiến dịch không kích quy mô lớn mang tên “Midnight Hammer” nhằm vào ba cơ sở hạt nhân Fordow, Natanz và Isfahan của Iran. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai loại bom xuyên phá boong-ke GBU-57 nặng 13,6 tấn, chỉ có thể được mang bởi oanh tạc cơ tàng hình B-2.

Theo thông tin từ Tướng Dan Caine - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, 7 máy bay B-2 đã thả ít nhất 14 quả bom loại này xuống các mục tiêu. Chiến dịch có sự tham gia của hơn 125 máy bay các loại, bao gồm máy bay tiếp dầu, máy bay trinh sát và tiêm kích hộ tống. Tổng chi phí vận hành và triển khai chiến dịch tiêu tốn hàng trăm triệu USD.

b2 s_voh
Oanh tạc cơ B-2 Spirit thả bom phá boong-ke GBU-57

Trên mạng xã hội, Tổng thống Donald Trump ca ngợi chiến dịch là thành công vượt mong đợi và tuyên bố ba cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran đã bị “xóa sổ”. Tuy nhiên, CNN và nhiều hãng tin quốc tế dẫn báo cáo sơ bộ của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cho biết các cuộc không kích chỉ làm chậm chương trình hạt nhân của Iran trong vài tháng. Kho dự trữ urani và phần lớn máy ly tâm vẫn không bị phá hủy.

Tuyên bố này ngay lập tức bị Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt bác bỏ, cho rằng đánh giá đó “hoàn toàn sai sự thật”. Bà khẳng định toàn bộ mục tiêu đã bị phá hủy sau loạt không kích chính xác.

Cùng lúc, CIA cũng lên tiếng xác nhận các đợt tấn công đã gây tổn thất nghiêm trọng cho chương trình hạt nhân của Iran và sẽ mất nhiều năm để khôi phục. Cơ quan tình báo Israel Mossad cũng công khai gửi lời cảm ơn CIA vì sự phối hợp chặt chẽ trong chiến dịch.

Cuộc đối đầu lần này tiếp tục nối dài danh sách những chiến dịch quân sự mà Mỹ can dự tại Trung Đông kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001. Theo báo cáo của Viện Watson thuộc Đại học Brown, các cuộc chiến do Mỹ phát động từ năm 2001 đến nay đã khiến khoảng 940.000 người thiệt mạng trực tiếp tại Afghanistan, Iraq, Syria, Yemen và nhiều khu vực khác. Nếu tính thêm những trường hợp tử vong gián tiếp vì thiếu thốn lương thực, y tế và các tác động liên quan chiến sự, con số có thể lên tới 4,7 triệu người.

iran 2_voh
Các cơ sở hạt nhân của Iran, trong đó có Fordow, Natanz và Esfahan - Ảnh: AFP

Tính đến cuối năm 2024, Mỹ đã chi tổng cộng khoảng 5,8 nghìn tỉ USD cho các cuộc chiến này. Khoản tiền này gồm 2,1 nghìn tỉ USD từ Bộ Quốc phòng, hơn 1 nghìn tỉ USD cho Bộ An ninh nội địa, gần 900 tỉ USD tăng ngân sách quốc phòng và hàng trăm tỉ USD chi trả dịch vụ cho cựu binh. Ngoài ra, Mỹ dự kiến phải chi thêm ít nhất 2,2 nghìn tỉ USD cho các nghĩa vụ chăm sóc cựu binh trong 30 năm tới, nâng tổng chi phí cho các cuộc chiến từ năm 2001 đến nay lên gần 8 nghìn tỉ USD.

Trong suốt hơn hai thập kỷ qua, Israel là quốc gia nhận viện trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ. Từ năm 1959 đến nay, Israel đã nhận hơn 251 tỉ USD viện trợ, phần lớn dành cho quân sự. Từ năm 2016, Washington cam kết cung cấp cho Tel Aviv 3,8 tỉ USD mỗi năm đến năm 2028. Sau các cuộc tấn công của Hamas vào năm 2023, Mỹ tăng thêm 17,9 tỉ USD viện trợ quân sự cho Israel — mức cao nhất từng được phê duyệt.

Với chi tiêu quân sự đạt 997 tỉ USD vào năm 2024, Mỹ hiện đang chi nhiều hơn 9 quốc gia tiếp theo cộng lại, bỏ xa Trung Quốc và Nga trong bảng xếp hạng ngân sách quốc phòng toàn cầu.

Bình luận