Quyết định được đưa ra sau khi ông nhận được đánh giá an ninh quốc gia về vai trò thiết yếu của kim loại này trong hàng loạt lĩnh vực chiến lược.
Thông báo được ông Trump đăng tải trên mạng xã hội Truth Social ngày 9/7. Ông nhấn mạnh, đồng là vật liệu quan trọng với quốc phòng Mỹ, được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn, máy bay, tàu chiến, đạn dược, trung tâm dữ liệu, pin lithium-ion, radar, hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí siêu thanh. Theo ông, đồng hiện là vật liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng nhiều thứ hai, chỉ sau thép.

Ngay sau khi tuyên bố thuế quan được đưa ra, giá đồng tại Mỹ lập tức tăng mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 9/7, giá đồng nội địa tăng thêm 2,62%, nối tiếp mức tăng kỷ lục 13,12% của phiên trước đó — mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ năm 1989. Trái ngược với thị trường Mỹ, giá đồng giao kỳ hạn ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London sáng 10-7 giảm 1,63%, xuống còn 9.630,50 USD/tấn, phản ánh chênh lệch giá bất thường giữa hai thị trường.
Theo công ty phân tích Benchmark Mineral Intelligence (Anh), giá đồng tại Mỹ có thể chạm ngưỡng 15.000 USD/tấn trong tháng 8, cao hơn nhiều so với mức trung bình 10.000 USD/tấn trên các thị trường khác.
Hiện Mỹ đang nhập khẩu gần một nửa lượng đồng tiêu thụ mỗi năm, phần lớn từ Chile. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, mục tiêu của chính quyền ông Trump là đưa hoạt động sản xuất đồng trở lại trong nước. Vị này cũng khẳng định mức thuế mới nhằm đồng bộ với mức thuế nhập khẩu thép và nhôm, từng được Mỹ tăng gấp đôi lên 50% hồi tháng 6 vừa qua.
Tuy vậy, giới chuyên gia đánh giá việc Mỹ tái phát triển công nghiệp khai thác và luyện đồng sẽ mất nhiều năm. Ông Carlos Miguel Gutierrez, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định hạ tầng sản xuất đồng nội địa nếu có thể khởi động sớm cũng phải đến năm 2027 - 2028 mới vận hành được.
Ông Gutierrez bày tỏ lo ngại việc áp thuế ngay lập tức sẽ khiến nguồn cung đồng tại Mỹ thiếu hụt và giá trong nước tăng cao, nhất là khi các doanh nghiệp phải đầu tư mở rộng sản xuất trong điều kiện giá nguyên liệu leo thang.
Giới phân tích cho rằng, thuế quan với đồng cũng như thép, nhôm và dược phẩm đang trở thành công cụ đàm phán của Mỹ với các đối tác thương mại. Ông Adam Whiteley, chuyên gia của BNY Investments, nhận định, đồng nằm trong nhóm mặt hàng chiến lược gắn với an ninh quốc gia và Mỹ đang sử dụng chính sách thuế để điều chỉnh thâm hụt thương mại, đồng thời gia tăng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán song phương.
Về phía nguồn cung toàn cầu, công ty nghiên cứu BMI (Anh) dự báo sản lượng khai thác đồng thế giới sẽ tăng trung bình 2,9% mỗi năm từ 2025 đến 2034, đưa tổng sản lượng từ 23,8 triệu tấn hiện nay lên 30,9 triệu tấn vào năm 2034. Trong năm 2025, sản lượng khai thác đồng toàn cầu dự kiến tăng 2,5%, nhờ sản lượng phục hồi ở Chile và các mỏ lớn như Oyu Tolgoi tại Mông Cổ, cùng với nguồn cung gia tăng từ Peru, Nga và Zambia.
Giới quan sát dự báo thị trường đồng toàn cầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới khi Mỹ áp thuế nhập khẩu và các quốc gia sản xuất chủ chốt đẩy mạnh khai thác để tận dụng cơ hội giá cao.