Israel mở rộng tập kích, IAEA báo động, Mỹ cảnh cáo trả đũa

VOH - Các tiếng nổ lớn vang lên rạng sáng 22/6 ở Iran, chỉ vài giờ sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) công khai cáo buộc Israel “xâm lược vũ trang” hai khu vực quân sự ở Yazd.

Quan chức tỉnh Saeid Rastgari khẳng định lực lượng an ninh đã kiểm soát hiện trường, không có hạ tầng điện, nước nào bị đánh trúng.

Tại Bushehr nơi đặt nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran chính quyền địa phương cho biết hệ thống phòng không kích hoạt ngay khi phát hiện mục tiêu lạ và “phá huỷ trên không”, song thừa nhận hai địa điểm quân sự bị trúng đạn.

Cùng ngày, Quân đội Israel ra thông cáo khẳng định 30 máy bay chiến đấu của Không quân đã “oanh tạc hàng chục mục tiêu” ở Isfahan, Bushehr, Ahvaz và lần đầu mở rộng tới Yazd; danh sách mục tiêu gồm trung tâm chỉ huy tên lửa, kho UAV và bệ phóng mà Tel Aviv cáo buộc “đã phóng 60 quả đạn về phía Israel”.

Washington nhanh chóng lên tiếng hậu thuẫn. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo Tehran “đừng dại đáp trả, đó sẽ là sai lầm tồi tệ nhất”, đồng thời nhấn mạnh Nhà Trắng có “nhiều mục tiêu khác” nếu Iran vượt “lằn ranh đỏ”.

fordow
 Hình ảnh vệ tinh Maxar cho thấy cơ sở hạt nhân Fordow tại Iran sau cuộc không kích của Mỹ - Ảnh: Insider

Phó Tổng thống JD Vance khẳng định Tổng thống Donald Trump “hành động hoàn toàn trong thẩm quyền Hiến pháp” và nhấn mạnh Mỹ “đánh vào chương trình hạt nhân, không đánh vào Iran”.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lo ngại hậu quả dài hạn. Tổng Giám đốc Rafael Grossi báo cáo Hội đồng Bảo an rằng “không thể loại trừ thiệt hại nghiêm trọng” tại cơ sở làm giàu sâu trong núi Fordow sau đợt tập kích của Mỹ và Israel; hiện IAEA chưa thể vào kiểm tra và “rủi ro an toàn - an ninh hạt nhân đang tăng nhanh”.

Ông Grossi thông báo Hội đồng Thống đốc IAEA sẽ họp bất thường ngày 23/6, đồng thời kêu gọi Tehran - Washington - Tel Aviv lập hành lang kỹ thuật cho thanh sát viên trở lại Fordow, Natanz và Isfahan “càng sớm càng tốt”. Iran cho biết chưa ghi nhận mức phóng xạ bất thường bên ngoài các cơ sở nhưng kiên quyết duy trì chương trình hạt nhân vì “mục đích dân sự”.

Trong nước, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi tuyên bố “những cuộc tấn công này sẽ không thể cản bước tiến của ngành công nghiệp hạt nhân”, đồng thời nhấn mạnh Tehran “sẽ lựa chọn thời điểm và cách thức đáp trả” phù hợp với lợi ích quốc gia.

Ở tuyến ngoại giao, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc điện đàm 45 phút với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian do phía Tehran khởi xướng.

Ông Modi bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, kêu gọi “hạ nhiệt ngay lập tức, ưu tiên đối thoại ngoại giao”, còn ông Pezeshkian đánh giá Ấn Độ là “đối tác then chốt” trong nỗ lực khôi phục hòa bình khu vực.

Tại Washington, giới hoạch định chính sách thừa nhận chiến dịch “Búa Tầm Ngầm” của Mỹ đã “làm tê liệt đáng kể” ba điểm nóng hạt nhân Natanz, Isfahan và Fordow, song các nghị sĩ Dân chủ cảnh báo nguy cơ leo thang ngoài kiểm soát nếu Tehran đáp trả bằng cách đóng Eo biển Hormuz hoặc tấn công ủy nhiệm vào lực lượng Mỹ trong khu vực.

Bình luận