Động thái này diễn ra chỉ 24 giờ sau khi Mỹ không kích loạt cơ sở hạt nhân của Tehran khiến nguy cơ gián đoạn dòng chảy năng lượng toàn cầu tăng vọt.
Thiếu tướng Esmail Kosari, đại biểu Quốc hội kiêm chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), khẳng định việc phong tỏa eo biển “đã nằm trong chương trình nghị sự” và “sẽ được kích hoạt khi lợi ích quốc gia đòi hỏi.” Phát biểu cứng rắn này cho thấy Tehran đang cân nhắc sử dụng Hormuz như “công tắc” gây sức ép trả đũa Washington và đồng minh.
Tập đoàn vận tải Maersk một trong những hãng container lớn nhất thế giới tuyên bố các tàu của họ “vẫn đi qua Hormuz” nhưng sẽ “liên tục đánh giá rủi ro và sẵn sàng điều chỉnh hành trình” nếu tình hình xấu đi.

Giới phân tích cảnh báo, chỉ cần Iran phong tỏa tạm thời eo biển dài 39 km này, 18-19 triệu thùng dầu/ngày cùng phần lớn khí đốt hoá lỏng từ vùng Vịnh sẽ bị nghẽn, đẩy giá dầu có thể vượt ngưỡng 150 USD/thùng - cú sốc đủ khuynh đảo chuỗi cung ứng và làm bùng lên lạm phát toàn cầu.
Trên mặt trận ngoại giao, Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance phát biểu trên NBC rằng Washington “không chiến tranh với Iran, mà với chương trình hạt nhân của Iran” và sẵn sàng trở lại bàn đàm phán nếu Tehran chấm dứt tham vọng vũ khí hạt nhân.
Ông khẳng định loạt đòn không kích đã “đẩy lùi chương trình đó rất lâu.” Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cùng ngày nhấn mạnh chiến dịch do Tổng thống Trump phê chuẩn chỉ nhằm “vô hiệu hóa mối đe dọa hạt nhân” không hướng tới thay đổi chế độ, song cảnh báo Tehran phải chọn “con đường hòa bình” nếu muốn tránh các đợt tấn công tiếp theo.
Từ Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, kêu gọi “kiềm chế tối đa” và sớm tái khởi động đàm phán hạt nhân. Điện Élysée nhấn mạnh giải pháp duy nhất là “thương lượng, không phải quân sự”.
Giới quan sát nhận định, nếu Iran thực sự phong tỏa Hormuz, không chỉ thị trường năng lượng thế giới chao đảo mà cục diện an ninh khu vực cũng dịch chuyển. Các nền kinh tế châu Á lệ thuộc dầu Trung Đông trong đó có Việt Nam sẽ chịu sức ép chi phí nhập khẩu nhiên liệu, đồng thời đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi vận tải biển.