Theo báo cáo sơ bộ từ Cục Điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ (AAIB), hai công tắc nhiên liệu của động cơ đã đồng thời chuyển từ chế độ hoạt động (run) sang chế độ ngắt (cutoff) chỉ vài giây sau khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên, báo cáo không xác định được nguyên nhân cụ thể của hiện tượng này.
Trong thông báo “Tiếp tục khả năng bay” (Continued Airworthiness Notification), FAA cho biết: “Mặc dù thiết kế công tắc nhiên liệu và cơ chế khóa của nó được dùng chung trên nhiều dòng máy bay Boeing, FAA không coi đây là tình huống mất an toàn đến mức cần ban hành chỉ thị bắt buộc về khả năng bay đối với bất kỳ mẫu máy bay Boeing nào, bao gồm cả Boeing 787.”

Hiện trường vụ việc
Boeing sau đó cũng phát hành văn bản gửi các hãng hàng không, dẫn lại nội dung thông báo của FAA, khẳng định không cần thực hiện hành động kỹ thuật nào đối với công tắc ngắt nhiên liệu. Hãng sản xuất này không đưa ra bình luận riêng mà bám sát quan điểm của FAA.
Trước đó, báo cáo sơ bộ của AAIB trích dẫn tài liệu tư vấn kỹ thuật do FAA ban hành từ năm 2018, trong đó khuyến nghị (nhưng không bắt buộc) các hãng khai thác Boeing 787 kiểm tra định kỳ cơ chế khóa công tắc nhiên liệu để phòng tránh việc vô tình kích hoạt.
AAIB lưu ý rằng Air India đã không thực hiện các đợt kiểm tra theo khuyến nghị trên vì đây không phải yêu cầu bắt buộc. Dù vậy, hồ sơ bảo dưỡng cho thấy module điều khiển bướm ga – bao gồm cả công tắc nhiên liệu – trên máy bay gặp nạn đã được thay thế hai lần vào các năm 2019 và 2023. Đồng thời, các chỉ thị kỹ thuật khẩn và yêu cầu về khả năng bay đều được thực hiện đầy đủ.
Liên đoàn phi công hàng không Ấn Độ (ALPA Ấn Độ), chi nhánh của Liên đoàn quốc tế các hiệp hội phi công (trụ sở tại Montreal), ngày 12/7 đã bác bỏ nghi ngờ lỗi phi công, kêu gọi “một cuộc điều tra công bằng, dựa trên thực tế.” Trên mạng xã hội X, ALPA Ấn Độ nhấn mạnh rằng chính tài liệu FAA 2018 đã đề cập đến nguy cơ liên quan cơ chế khóa công tắc nhiên liệu, cho thấy đây có thể là một trục trặc kỹ thuật.
Đáng chú ý, dữ liệu từ máy ghi âm buồng lái ghi lại đoạn trao đổi giữa hai phi công trong những giây cuối: một người hỏi “Tại sao nhiên liệu bị ngắt?” và người kia đáp “Tôi không làm vậy.” Tuy nhiên, báo cáo không xác định được danh tính người nói cũng như ai đã phát tín hiệu khẩn cấp "Mayday."
Hai chuyên gia an toàn hàng không của Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ đề xuất để đại diện ALPA Ấn Độ tham gia điều tra với vai trò quan sát viên, đồng thời khẳng định báo cáo sơ bộ hiện không thiên về giả thuyết lỗi của phi công.
Hiện quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang tiếp tục, trong khi các bên liên quan giữ lập trường thận trọng và chờ kết luận chính thức từ AAIB.