Elon Musk lập “Đảng Nước Mỹ”: Tham vọng trở thành tổng thống?

Ngày 5/7, tỉ phú công nghệ Elon Musk chính thức tuyên bố thành lập Đảng Nước Mỹ (America Party) động thái gây chấn động chính trường Mỹ và dấy lên nhiều tranh luận trong giới quan sát.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, một nhân vật nổi tiếng và có tiềm lực tài chính vượt trội như Musk công khai đối đầu hệ thống hai đảng truyền thống của nước Mỹ.

Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành "Đạo luật Lớn và Đẹp" trị giá hơn 4.500 tỉ USD. Luật này không chỉ cắt giảm mạnh ưu đãi xe điện lĩnh vực then chốt của Tesla mà còn chạm đến lợi ích tài chính trực tiếp của Musk. Ông gọi đạo luật này là “điên rồ” và tuyên bố sẽ thành lập đảng mới nếu nó được thông qua và ông đã giữ lời.

“Đảng Nước Mỹ sẽ trả lại tự do cho người dân,” ông Musk tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội X, đồng thời gọi đây là "ngày độc lập thực sự" cho cử tri Mỹ.

Trước đó một ngày, ông thực hiện khảo sát ý kiến với hơn 1,2 triệu người tham gia, trong đó 65% đồng thuận với ý tưởng lập đảng mới.

base64-17518185338131664788300
Tỉ phú công nghệ Elon Musk - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, việc thành lập một đảng chính trị thực sự ở Mỹ không chỉ cần tuyên bố chính thức và sức ảnh hưởng mạng xã hội. Theo luật sư Brett Kappel, chuyên gia về luật bầu cử, "chỉ người giàu nhất thế giới mới có thể theo đuổi kế hoạch như vậy một cách nghiêm túc và ngay cả khi đó, quá trình vẫn kéo dài hàng năm và tốn hàng trăm triệu USD."

Các rào cản pháp lý ở từng bang là một thử thách lớn. Ví dụ, tại California bang đông dân nhất một đảng muốn được công nhận phải thu thập hơn 1,1 triệu chữ ký hoặc đăng ký ít nhất 75.000 đảng viên.

Thêm vào đó, các giới hạn tài trợ của Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) cũng khiến Musk không thể chi “vô hạn” tiền cho đảng của mình: ông chỉ có thể đóng góp tối đa 44.300 USD/năm cho tổ chức đảng cấp quốc gia.

Một thách thức khác đến từ thói quen bỏ phiếu của người dân Mỹ. Giáo sư khoa học chính trị Alan Abramowitz (ĐH Emory) nhận định: “Cử tri Mỹ thường lo ngại việc bầu cho ứng viên thứ ba là lãng phí phiếu vì khả năng thắng cử là rất thấp.” Thực tế, chưa có đảng thứ ba nào đủ sức cạnh tranh lâu dài với hai đảng truyền thống trong gần 200 năm qua.

Ngoài ra, lập trường chính trị không rõ ràng của ông Musk khi vừa chỉ trích đạo luật chi tiêu của phe Cộng hòa, vừa phản đối các chương trình xã hội cấp tiến của phe Dân chủ khiến ông khó xây dựng một liên minh cử tri ổn định.

Quan hệ giữa ông Musk và Trump từng được xem là thân thiết giờ đây đã bước vào giai đoạn đối đầu công khai. Từng là người được Tổng thống Trump bổ nhiệm vào hội đồng cố vấn kinh tế, Musk rút khỏi vị trí này vào năm 2017 sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Căng thẳng giữa hai bên leo thang sau khi đạo luật mới tác động mạnh đến Tesla.

Dù vậy không thể phủ nhận sức ảnh hưởng khổng lồ của Elon Musk. Với tài sản hơn 350 tỉ USD và hơn 190 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, Musk có đủ tiềm lực để làm khuấy động môi trường chính trị Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc.

Bình luận