Phó Thủ tướng kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại Campuchia, ông Sun Chanthol, ngày 8/7 tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ mức thuế đe dọa áp lên hàng hóa xuất khẩu của Campuchia từ 49% xuống còn 36% là một "chiến thắng lớn" trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán giữa hai nước.
"Đây là một thắng lợi vang dội ở bước khởi đầu", ông Chanthol phát biểu với báo giới, đồng thời cho biết Campuchia vẫn còn cơ hội tiếp tục đàm phán để đạt được mức thuế ưu đãi hơn.
Tháng 4, Tổng thống Trump đã công bố loạt mức thuế “có đi có lại” nhằm vào hàng trăm đối tác thương mại, trong đó Campuchia là một trong những nước bị đề xuất áp mức thuế cao nhất lên tới 49%. Ông Trump sau đó đã tạm hoãn việc thực thi và đưa ra thời hạn 90 ngày để các nước đàm phán.

Tới ngày 7/7, ông Trump thông báo hạ mức thuế đối với Campuchia xuống còn 36% và gia hạn thời hạn đàm phán đến ngày 1/8, động thái được xem là dấu hiệu tích cực cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tuy vậy đằng sau "thắng lợi" này là tâm lý lo lắng sâu sắc trong ngành may mặc lĩnh vực xuất khẩu chủ lực trị giá khoảng 10 tỉ USD/năm của Campuchia. Với hàng trăm ngàn lao động phụ thuộc vào thị trường Mỹ, nguy cơ mất việc vẫn đang treo lơ lửng.
Hiện tại, Campuchia đang được áp mức thuế tạm thời 10% trong lúc đàm phán tiếp diễn. Tuy nhiên, tình hình càng trở nên phức tạp do nhiều nhà máy may mặc tại nước này thuộc sở hữu Trung Quốc.
Washington từng cáo buộc Phnom Penh cho phép hàng hóa Trung Quốc trung chuyển vào Mỹ qua Campuchia nhằm né thuế trừng phạt đối với Bắc Kinh yếu tố khiến đàm phán thêm phần căng thẳng.
Trong bối cảnh chưa rõ ràng, dù chính phủ tuyên bố đạt bước tiến quan trọng thì người dân và công nhân Campuchia vẫn chưa thể an tâm với sinh kế của mình khi mọi quyết định cuối cùng đều phụ thuộc vào diễn biến từ Nhà Trắng trong những tuần tới.