Các chính phủ đã tranh cãi trong hơn một năm xung quanh đề xuất của Ủy ban châu Âu về Chương trình công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIP), một phần trong nỗ lực tái vũ trang rộng lớn hơn do lo ngại về Nga - kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine năm 2022.
Phần lớn cuộc tranh luận tập trung vào điều kiện đủ. Pháp thúc đẩy các quy định nghiêm ngặt về "mua hàng châu Âu" để thúc đẩy ngành công nghiệp châu Âu, trong khi các quốc gia như Hà Lan tranh luận về sự linh hoạt hơn trong việc mua vũ khí từ Mỹ, Anh và các quốc gia khác.

Theo thỏa hiệp cuối cùng, ít nhất 65% chi phí cho các thành phần của một mặt hàng được tài trợ theo chương trình này phải có nguồn gốc từ EU hoặc một số quốc gia liên kết, trừ trường hợp ngoại lệ.
Các đại sứ từ 27 quốc gia EU dự kiến sẽ phê duyệt thỏa thuận vào thứ Hai. Sau đó, thỏa thuận sẽ được đàm phán với Nghị viện châu Âu trước khi có hiệu lực.
Một nhóm gồm 10 quốc gia - Hà Lan, Estonia, Latvia, Litva, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Romania, Croatia, Slovakia và Phần Lan - cho rằng, các quy định nên tính đến nhiều hơn nhu cầu cấp thiết trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu tăng cường an ninh và khả năng phục hồi của châu Âu thông qua tăng cường hợp tác và đầu tư quốc phòng. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải đối mặt với mối đe dọa cấp bách đối với lãnh thổ và lợi ích của châu Âu", họ cho biết trong một tuyên bố chung.
Các nhà lãnh đạo cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng EU "vẫn phụ thuộc - đặc biệt là trong ngắn hạn và trung hạn - vào các thành phần, công nghệ và bí quyết quan trọng từ các nước thứ ba có cùng chí hướng, đặc biệt là các đồng minh xuyên Đại Tây Dương".
Bất chấp sự phản đối, các nước cho biết họ không muốn cản trở việc bắt đầu đàm phán với Nghị viện châu Âu.
Các quan chức EU cho biết, ngân sách 1,5 tỷ euro cho chương trình này là khiêm tốn đối với ngành quốc phòng nhưng các tiêu chí đã gây tranh cãi dữ dội vì chương trình này có thể nhận được nguồn tài trợ lớn hơn trong tương lai.