Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.
Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) cho biết, khi được sử dụng kết hợp với hai tá dược mạnh giúp kích thích hệ miễn dịch, loại vaccine này đã tạo ra nhiều loại kháng thể chống lại virus HIV.
Họ phát hiện rằng sau khi tiêm, vaccine tập trung tại các hạch bạch huyết và tồn tại ở đó trong gần một tháng – đủ thời gian để cơ thể sản sinh lượng lớn kháng thể chống lại protein HIV.

Nguồn: Independent.
Các chuyên gia nhận định, chiến lược này có thể được ứng dụng rộng rãi để phát triển các loại vaccine chỉ cần tiêm một lần nhưng có hiệu quả phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm, bao gồm HIV và SARS-CoV-2.
Giáo sư Christopher Love, đồng tác giả nghiên cứu từ MIT, cho biết, phương pháp này tương thích với nhiều loại vaccine dựa trên protein, nhờ đó cho phép phát triển các công thức mới cho nhiều bệnh khác nhau như cúm, COVID-19 hoặc các đợt dịch có nguy cơ bùng phát trong tương lai
Tá dược là thành phần thường được bổ sung vào vaccine nhằm tăng cường phản ứng miễn dịch đối với các protein gây bệnh.
Trong các nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát triển tá dược saponin chiết xuất từ vỏ cây soapbark của Chile. Dưới dạng hạt nano kết hợp với phân tử kích viêm MPLA, saponin đã được sử dụng làm tá dược trong các thử nghiệm vaccine phòng HIV.
Theo các nhà khoa học, việc kết hợp aluminum hydroxide và SMNP (dạng hạt nano của saponin) làm thành phần hỗ trợ trong vaccine có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn đáng kể với virus HIV hoặc SARS-CoV-2. Họ cho rằng chính sự phối hợp này đã tăng cường hoạt động của tế bào B – loại tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm sản xuất kháng thể.
Các thí nghiệm trên chuột cho thấy, khi tiêm loại vaccine này, kháng nguyên nhanh chóng tích tụ tại các hạch bạch huyết, nơi tế bào B bắt đầu biến đổi nhanh chóng, tạo ra nhiều loại kháng thể khác nhau chống lại HIV.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, khi kết hợp SMNP và aluminum hydroxide, protein HIV có thể vượt qua hàng rào tế bào bảo vệ quanh hạch bạch huyết mà không bị phân hủy, từ đó tạo điều kiện để tế bào B tiếp xúc lâu dài với kháng nguyên, giúp phản ứng miễn dịch được điều chỉnh và tăng cường hiệu quả.
Ông Love cho biết, quá trình này giống như phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị nhiễm bệnh, trong đó kháng nguyên có thể tồn tại trong các hạch bạch huyết trong nhiều tuần, tạo điều kiện để hệ miễn dịch có thời gian phát huy hiệu quả.
Theo ông Love, điều đáng chú ý ở phương pháp này là có thể kéo dài thời gian tiếp xúc với kháng nguyên chỉ bằng cách phối hợp 2 tá dược đã được nghiên cứu kỹ, không cần công nghệ mới phức tạp.
“Chỉ cần kết hợp đúng tính năng của các tá dược quen thuộc, chúng ta có thể đạt hiệu quả cao ngay cả với liều thấp, thậm chí chỉ cần một lần tiêm”, ông nhận định.