Mỹ phê duyệt thuốc tiêm ngừa HIV dùng 2 lần mỗi năm

VOH - Đây là loại thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đầu tiên có dạng tiêm và chỉ cần sử dụng 2 lần mỗi năm, mở ra hy vọng kiểm soát hiệu quả “căn bệnh thế kỷ”.

Ngày 18/6, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức phê duyệt thuốc tiêm Lenacapavir của hãng Gilead Sciences nhằm phòng ngừa nhiễm virus HIV.

Trước đây, các loại thuốc PrEP phổ biến chủ yếu ở dạng viên uống hằng ngày, đòi hỏi người dùng phải tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa. Việc có một lựa chọn dạng tiêm, liều dùng 6 tháng/lần, được kỳ vọng sẽ giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận và duy trì liệu trình hơn.

THUOC HIV
Thuốc Lenacapavir của hãng Gilead - Ảnh: NBC

Lenacapavir hoạt động theo cơ chế ức chế vỏ capsid – phần bảo vệ vật liệu di truyền của virus HIV. Các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trong năm 2023 cho thấy thuốc đạt hiệu quả gần 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV, đặc biệt trong các nhóm có nguy cơ cao.

Ông Daniel O'Day – Tổng Giám đốc điều hành Gilead – nhận định đây là một cột mốc mang tính bước ngoặt. “Chúng tôi tin rằng Lenacapavir là công cụ quan trọng nhất hiện nay để thay đổi diễn biến của đại dịch HIV và có thể đẩy căn bệnh này lùi vào quá khứ,” ông nói.

Tại Mỹ, Lenacapavir sẽ được phân phối dưới tên thương mại Yeztugo, với giá niêm yết lên đến 28.218 USD/năm. Gilead cũng đang làm việc với các hãng bảo hiểm, trong đó kỳ vọng đến cuối năm 2025 sẽ có khoảng 90% nhà cung cấp bảo hiểm – cả công và tư – chi trả cho loại thuốc này.

Gilead đồng thời có kế hoạch mở rộng phạm vi cung cấp Lenacapavir đến các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Phi, nơi HIV vẫn là vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng. Công ty đã cấp phép cho 6 nhà sản xuất thuốc gốc để triển khai sản xuất phiên bản giá rẻ tại 120 quốc gia có nguồn lực hạn chế.

Trước đó, vào tháng 12/2024, chương trình PEPFAR – Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng chống AIDS – dưới thời Tổng thống Joe Biden đã ký thỏa thuận với Quỹ Toàn cầu về việc hỗ trợ điều trị cho 2 triệu người trong vòng 3 năm, nếu FDA phê duyệt thuốc Lenacapavir để dùng dự phòng.

Tuy nhiên, việc chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Donald Trump cắt giảm ngân sách cho PEPFAR đã khiến giới chuyên gia và các tổ chức phòng chống AIDS lo ngại về khả năng triển khai quy mô lớn. Ông O'Day thừa nhận những thay đổi tài trợ là “khó khăn”, nhưng cho biết Gilead đang tiếp tục đối thoại với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy việc phân phối thuốc sớm và rộng rãi.

Tại thời điểm hiện tại, Lenacapavir cũng đang được bán với tên Sunlenca để điều trị HIV ở giai đoạn muộn, dành cho những bệnh nhân kháng nhiều thuốc. Việc mở rộng sang phòng ngừa đánh dấu bước tiến mới, cho thấy hướng đi khác biệt trong cuộc chiến kiểm soát đại dịch HIV kéo dài hơn bốn thập kỷ qua.

 
Bình luận