Cảnh báo bẫy lừa đảo trong nhóm thể thao và mạng xã hội, nhiều người mất hàng tỉ đồng

Công an TP Hà Nội vừa phát đi khuyến cáo về hàng loạt thủ đoạn lừa đảo tinh vi đang xuất hiện trên mạng xã hội và ứng dụng trực tuyến.

Các đối tượng giả danh cán bộ công an, giảng viên, người có uy tín, lập nhóm thể thao hay từ thiện để tiếp cận, lừa đảo nạn nhân và chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Thời gian gần đây, Công an TP Hà Nội liên tục tiếp nhận phản ánh của người dân về các hình thức lừa đảo mới, sử dụng mạng xã hội, ứng dụng kết bạn và nhóm sở thích thể thao làm công cụ để dụ dỗ. Một trong những thủ đoạn đang được các đối tượng khai thác là tạo lập các nhóm thể thao ảo, đặc biệt là các nhóm “Newbie Pickleball” - bộ môn thể thao vợt đang thu hút sự chú ý trên mạng.

lua dao_voh
Ảnh minh họa.

Công an TP Hà Nội cho biết, điển hình là trường hợp của chị N. (trú tại Hà Nội) tham gia nhóm “Newbie Pickleball” trên mạng xã hội. Một người trong nhóm, tự giới thiệu là trưởng phòng của một tập đoàn viễn thông, đã tiếp cận và rủ chị N. đầu tư vào một trò chơi trực tuyến với mức sinh lời hấp dẫn. Tin lời, chị N. chuyển hơn 2,1 tỉ đồng vào tài khoản do đối tượng chỉ định. Khi muốn rút tiền, hệ thống báo lỗi và yêu cầu nộp thêm phí mới giải ngân. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, chị N. lập tức trình báo cơ quan công an.

Lợi dụng việc điều chỉnh địa giới hành chính từ ngày 1/7/2025, một số đối tượng giả danh cán bộ công an gọi điện yêu cầu người dân cập nhật dữ liệu dân cư, hướng dẫn cài phần mềm giả mạo để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, tài khoản ngân hàng và ví điện tử.

Công an TP Hà Nội khẳng định việc cập nhật dữ liệu dân cư được thực hiện tự động trên ứng dụng VNeID, không có chuyện cán bộ công an gọi điện yêu cầu người dân cài ứng dụng hay cung cấp thông tin cá nhân qua mạng. Người dân cần cảnh giác và tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của người lạ tự xưng là cơ quan chức năng.

Một thủ đoạn khác là giả danh giảng viên đại học để đặt mua văn phòng phẩm, thiết bị nhà trường với giá trị lớn. Đối tượng yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh lấy hàng từ đối tác (thực chất là đồng bọn) và chuyển tiền đặt cọc trước. Anh V. (trú tại Hà Nội) mới đây trở thành nạn nhân của chiêu trò này khi nhận hợp đồng trị giá hơn 2 tỉ đồng để cung cấp giường tầng cho một trường đại học. Sau khi chuyển gần 1 tỉ đồng đặt cọc, anh phát hiện bị lừa và kịp trình báo công an.

Công an cũng ghi nhận nhiều vụ "bắt cóc online" tống tiền gia đình. Ngày 1/7, ông N. (trú tại Lạng Sơn) trình báo về việc con trai ông bị đe dọa bắt cóc. Các đối tượng giả danh công an, gửi lệnh bắt giữ, cáo buộc nạn nhân liên quan đến ma túy, rửa tiền và yêu cầu gia đình chuyển 20 triệu đồng để "giải cứu". Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của lực lượng công an, vụ việc được ngăn chặn kịp thời.

Một thủ đoạn khác là giả mạo các chương trình từ thiện, quay số trúng thưởng. Ngày 16-6, chị N. (trú tại quận Cầu Giấy) tham gia ứng dụng “Lotus Chat” để kết bạn. Một tài khoản tự xưng là tư vấn viên mời chị tham gia nhóm quay số từ thiện. Ban đầu, chị nạp số tiền nhỏ và được trả thưởng để tạo lòng tin. Sau đó, đối tượng dụ dỗ chị liên tục chuyển tiền lên đến gần 1 tỉ đồng với lời hứa nhận thưởng lớn. Khi chị từ chối chuyển thêm, các đối tượng lập tức cắt liên lạc.

Bình luận