Giám đốc công ty may bị truy tố tội lừa đảo: Thuê máy rồi mang đi cầm, bán

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Thị Hòa (sinh năm 1985) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bà Hòa bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc thuê thiết bị may mặc của các đối tác rồi mang đi cầm cố hoặc bán.

Công ty TNHH may xuất khẩu Hòa Bình (Công ty may Hòa Bình), có trụ sở tại thị trấn Tây Đằng, Hà Nội, do Trần Thị Hòa làm giám đốc, chuyên gia công hàng hóa may mặc.

Đến cuối năm 2022, công ty này làm ăn thua lỗ và lâm vào cảnh nợ nần, thiếu tiền hoạt động.

truy tố xét xử

Để có tiền, Trần Thị Hòa đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bằng cách thuê thiết bị may mặc từ các công ty đối tác, sau đó mang đi cầm cố hoặc bán cho Thân Văn Sáng (sinh năm 1988, ở thành phố Bắc Giang) và không có khả năng chuộc lại.

Cụ thể, từ ngày 8/1/2023 đến 20/6/2023, Trần Thị Hòa đã thực hiện một loạt các hành vi lừa đảo như thuê 4 thiết bị máy may trị giá gần 240 triệu đồng của Công ty TNHH máy may Sky New.

Thuê 14 thiết bị máy may trị giá 108 triệu đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu B.I.T.

Thuê 4 thiết bị máy may trị giá hơn 410 triệu đồng của Công ty TNHH Vsmart Garment.

Sau khi thuê được các thiết bị này, Trần Thị Hòa đã mang đi cầm cố và bán cho Thân Văn Sáng với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền này được Hòa sử dụng hết cho mục đích cá nhân và không có khả năng chuộc lại tài sản. Các thiết bị máy may do Hòa cầm cố đã được Sáng bán cho nhiều người khác, đến nay không thể thu hồi.

Tại cơ quan điều tra, Trần Thị Hòa đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Gia đình bị can Hòa đã bồi thường một phần thiệt hại cho các công ty bị lừa đảo: 150 triệu đồng cho Công ty Vsmart Garment, 100 triệu đồng cho Công ty Sky New và 50 triệu đồng cho Công ty B.I.T.

Tuy nhiên, các công ty này vẫn còn yêu cầu bồi thường dân sự với số tiền lớn như Công ty Sky New yêu cầu bồi thường 223 triệu đồng (giá trị máy còn chiếm đoạt) và gần 310 triệu đồng (tiền thuê máy chưa trả).

Công ty B.I.T yêu cầu bồi thường 88 triệu đồng; Công ty Vsmart Garment yêu cầu bồi thường 370 triệu đồng.

Đối với Thân Văn Sáng, mặc dù có thỏa thuận vay tiền với lãi suất 3.000 đồng/ngày, nhưng quá trình điều tra xác định khi Hòa chuộc lại 4 thiết bị máy may, Sáng chỉ thu tiền gốc và tổng số lãi là 35,7 triệu đồng (tương đương lãi suất lần lượt 26%/năm, 68%/năm và 75%/năm).

Do đó, Cơ quan điều tra không có căn cứ xác định Sáng có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và không đề cập xử lý hình sự.

Ngoài ra, Thân Văn Sáng không có giấy phép hoạt động kinh doanh lĩnh vực cầm cố. Tuy nhiên, đến nay đã hết thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi này nên Cơ quan điều tra không xử lý.

Vụ việc cho thấy những rủi ro trong giao dịch thương mại khi các đối tác lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản, đồng thời là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp về việc thẩm định đối tác và bảo vệ tài sản của mình.

Bình luận