USD mất giá mạnh nhất trong gần 4 năm

Sáng 1/7, đồng USD tiếp tục trượt giá trên diện rộng, rơi xuống mức thấp nhất gần 4 năm so với đồng euro và giảm mạnh so với loạt đồng tiền chủ chốt khác như bảng Anh, yen Nhật.

1 euro hiện đổi được 1,179 USD mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Trong nửa đầu năm nay, đồng tiền chung châu Âu đã tăng tới 13,8% so với đôla Mỹ mức tăng sáu tháng đầu năm mạnh nhất kể từ khi đồng tiền này được phát hành.

Tương tự, bảng Anh đang tiến sát đỉnh 3,5 năm khi đạt 1,3737 USD, còn yen Nhật cũng mạnh lên đáng kể mỗi USD chỉ còn đổi được 143,68 yen. So với đầu năm, yen đã tăng hơn 9% mức tăng mạnh nhất kể từ 2016.

Chỉ số Dollar Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt hiện còn 96,68 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tổng cộng, USD đã mất giá hơn 10% trong nửa đầu năm một mức giảm gây chú ý trong giới tài chính toàn cầu.

GIA-USD
Ảnh minh họa - Internet

Giới phân tích cho rằng đà suy yếu của USD là kết quả của nhiều yếu tố phức hợp, từ rủi ro tài khóa trong nước cho đến tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ.

Một trong những nguyên nhân chính là lo ngại về dự luật giảm thuế và tăng chi tiêu do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy. Dự luật này dù chưa được Quốc hội thông qua được đánh giá có thể làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ thêm hơn 3.300 tỷ USD. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát tài chính của chính phủ Mỹ, giữa lúc nợ công đã ở mức cao kỷ lục.

Những bất ổn xoay quanh đàm phán thương mại của Mỹ với các đối tác cũng tạo áp lực lên đồng USD. Thời hạn hoãn áp thuế 90 ngày đang cận kề, trong khi chưa có tín hiệu nào về thỏa thuận rõ ràng.

Các nhà đầu tư cũng bắt đầu đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh hơn khiến USD càng bị bán tháo. Việc Tổng thống Trump công khai gây sức ép buộc Fed hạ lãi suất càng làm thị trường thêm bất an. Ông thậm chí đã gửi cho Chủ tịch Fed Jerome Powell danh sách lãi suất toàn cầu kèm khuyến nghị Mỹ nên giảm lãi suất xuống mức 0,5-1,75%.

Chiến lược gia Moh Siong Sim (Bank of Singapore) nhận định: “Có rất nhiều lý do cấu trúc khiến USD yếu đi, chính sách tài khóa khó lường, rủi ro vĩ mô và cả áp lực chính trị nội bộ đối với Fed”.

Theo nhà phân tích Nathan Hamilton (Aberdeen Investments), vị thế đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ và công cụ trú ẩn an toàn đang suy yếu rõ rệt. Các cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ gần đây cũng ghi nhận sự sụt giảm về nhu cầu.

Bình luận