Với biên độ giao dịch ±5%, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá mua bán USD trong khoảng 23.805 - 26.310 đồng. Trong thực tế, nhiều ngân hàng đã đẩy giá USD lên kịch trần.
Tại Vietcombank, giá USD niêm yết ở mức 25.980 đồng chiều mua vào và 26.310 đồng chiều bán ra, tăng 31 đồng so với ngày 23-6. BIDV cũng đưa giá bán USD lên 26.305 đồng, sát mức tối đa cho phép.
So với đầu năm, tỷ giá USD/VND trong ngân hàng đã tăng gần 750 đồng, tương đương khoảng 2,9%.
Trên thị trường tự do, USD được mua vào ở mức 26.350 đồng và bán ra khoảng 26.450 đồng chênh khoảng 150 đồng so với giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại.

Theo Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC), việc tỷ giá tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố cộng hưởng: giải ngân đầu tư công tăng mạnh khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào; nhu cầu USD trong nền kinh tế vẫn cao; và đặc biệt, xung đột quân sự giữa Mỹ - Iran - Israel khiến nhà đầu tư lo ngại, thúc đẩy xu hướng nắm giữ đồng bạc xanh.
TCSC nhận định, trong ngắn hạn, NHNN đang cố gắng kiểm soát đà tăng tỷ giá bằng cách hút bớt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, gián tiếp đẩy lãi suất lên để làm giảm nhu cầu USD.
Nếu đà tăng tiếp tục mạnh hơn, nhiều khả năng cơ quan điều hành sẽ phải cân nhắc các điều chỉnh chính sách phù hợp để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Báo cáo của Ngân hàng UOB dự báo tiền đồng sẽ tiếp tục yếu trong suốt quý III/2025 do thiếu động lực phục hồi và chưa đạt được bước tiến trong quan hệ thương mại với Mỹ. Tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ giữ ở mức quanh 26.300 đồng trong quý III, trước khi dần hạ nhiệt xuống khoảng 25.800 đồng vào quý I/2026.