Ngân hàng không đủ an toàn vốn sẽ không được chia cổ tức tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư nhấn mạnh: ngân hàng không đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu an toàn vốn sẽ không được phép phân phối lợi nhuận bằng tiền mặt.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9, yêu cầu các ngân hàng thương mại không có công ty con và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, bao gồm: vốn lõi cấp 1 đạt 4,5%, vốn cấp 1 đạt 6% và tổng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt tối thiểu 8%.

Đối với các ngân hàng có công ty con, quy định áp dụng đồng thời cho cả tỷ lệ riêng lẻ và hợp nhất, với mức yêu cầu tương tự. Trong trường hợp có công ty con là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng không hợp nhất kết quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm vào báo cáo hợp nhất. Tuy vậy, các tài sản có rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường vẫn phải được tính đầy đủ theo phương pháp tiêu chuẩn.

nganhang_voh
Không đủ an toàn vốn, ngân hàng không được phép chia lợi nhuận tiền mặt. - Ảnh: thesaigontimes

Ngân hàng Nhà nước đưa ra ba công thức tính tỷ lệ an toàn vốn: tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Các công thức này đều dựa trên tổng tài sản có rủi ro tín dụng (RWA), vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động (KOR) và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường (KMR).

Không chỉ yêu cầu duy trì mức tối thiểu, các ngân hàng còn phải tuân thủ tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn theo lộ trình tăng dần trong vòng bốn năm, từ 0,625% lên 2,5%. Bắt đầu từ năm thứ tư, để được chia cổ tức bằng tiền mặt, ngân hàng cần đảm bảo vốn lõi cấp 1 đạt tối thiểu 7%, vốn cấp 1 là 8,5% và CAR phải từ 10,5% trở lên.

Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ: nếu không đáp ứng được các mức vốn yêu cầu nêu trên, ngân hàng sẽ không được phép chia lợi nhuận bằng tiền mặt, kể cả trong trường hợp có lãi. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và khuyến khích các ngân hàng tăng cường năng lực tài chính.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền quyết định áp dụng tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ (Countercyclical Capital Buffer - CCyB) trong phạm vi từ 0% đến 2,5%, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô và chu kỳ tín dụng của nền kinh tế. Bộ đệm này được thiết kế để hạn chế rủi ro hệ thống trong những giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, góp phần ổn định thị trường tài chính.

Khi tính toán các chỉ tiêu an toàn vốn, tất cả các khoản mục bằng ngoại tệ hoặc vàng phải được quy đổi sang đồng Việt Nam. Việc quy đổi thực hiện theo tỷ giá và giá vàng cuối ngày báo cáo, dựa trên quy định hiện hành của hệ thống tài khoản kế toán và báo cáo tài chính do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Với Thông tư 14, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng tăng cường kỷ luật tài chính trong hệ thống ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh hơn cho thị trường tài chính – tiền tệ. Các ngân hàng được yêu cầu có kế hoạch tăng vốn, nâng cao chất lượng tài sản và quản trị rủi ro nếu muốn duy trì khả năng chia cổ tức và tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Bình luận