Theo NHNN, định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo nguyên tắc chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để có dư địa hạ lãi suất cho vay. Việc hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, kích thích sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.

Song song đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt theo cung – cầu, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại hối, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong lĩnh vực tín dụng, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo định hướng của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt các khoản vay liên quan đến lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán,…
Tính đến ngày 30/6, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức khoảng 16%, nhưng sẽ có điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến thực tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ từ NHNN, từ đó có cơ sở để giảm lãi suất đầu ra. NHNN cũng thường xuyên có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các tổ chức tín dụng tích cực hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Đối với chương trình tín dụng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, NHNN cho biết hiện đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6,4%/năm cho chủ đầu tư và 5,9%/năm cho người mua nhà trong giai đoạn từ 1/7 đến 31/12/2025. Mức này đã giảm 0,2% so với kỳ công bố trước, thể hiện xu hướng giảm lãi suất rõ rệt trong các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội.
Tính đến cuối tháng 5, các ngân hàng thương mại đã giải ngân tổng cộng 4.094 tỷ đồng trong khuôn khổ chương trình này, bao gồm 3.464 tỷ đồng cho 27 dự án của chủ đầu tư và 630 tỷ đồng cho người mua nhà tại 25 dự án.
Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đồng thời đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2025.