Giá xăng dầu thế giới giảm sâu, trong nước tăng nhẹ

VOH - Tuần qua, giá dầu thế giới chứng kiến đợt giảm mạnh nhất trong hơn một năm qua.

Thị trường phản ứng trước thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) dự kiến tăng sản lượng vào tháng 8. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt và giới đầu tư tập trung trở lại vào yếu tố cung - cầu thực tế.

Hồi giữa tháng 6, giá dầu từng tăng vọt lên trên 80 USD/thùng khi Israel tiến hành cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên, giá dầu nhanh chóng quay đầu giảm.

xang dau_voh
Giá dầu giảm mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tiên của tuần. - Ảnh minh họa: Tehran Times

Ngay phiên đầu tuần, giá dầu thế giới lao dốc khi Iran không nhắm vào tuyến hàng hải chiến lược Eo biển Hormuz mà chỉ tập kích tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar và Iraq. Nhà phân tích Matt Smith của công ty Kpler nhận định việc Iran không phong tỏa Eo biển Hormuz – tuyến vận chuyển khoảng 20% lượng dầu toàn cầu – giúp giảm đáng kể nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Tính đến phiên giao dịch ngày 24-6, giá dầu tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, dầu Brent giảm 4,34 USD/thùng, tương đương 6,1%, xuống còn 67,14 USD/thùng. Dầu WTI hạ 4,14 USD/thùng, tương đương 6%, chốt ở mức 64,37 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất trong hai tuần và cũng là đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023.

Chuyên gia Tamas Varga của Công ty tư vấn năng lượng PVM cho biết căng thẳng chính trị từng đẩy giá dầu tăng trong những tuần trước nay đã hạ nhiệt. Một yếu tố khác góp phần vào đà giảm này là tuyên bố từ Tổng thống Mỹ cho phép Trung Quốc tiếp tục mua dầu từ Iran, giảm bớt một phần các lệnh cấm vận mà Washington đang áp dụng.

Giữa tuần, giá dầu phục hồi nhẹ khi dữ liệu từ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất đều giảm. Nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group đánh giá báo cáo này giúp thị trường chuyển sự chú ý từ vấn đề chính trị sang các yếu tố cung - cầu trong nước Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 26-6, giá dầu tiếp tục nhích nhẹ nhờ nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ tăng khi bước vào cao điểm mùa hè. Tuy nhiên, lo ngại về dư cung vẫn hạn chế đà tăng của thị trường.

Chốt phiên cuối tuần, dầu Brent tăng nhẹ 0,04 USD/thùng, đạt 67,77 USD/thùng. Dầu WTI nhích thêm 0,28 USD/thùng, đạt 65,52 USD/thùng. Dù vậy, tính cả tuần, giá dầu Brent giảm đến 12%, mức giảm sâu nhất trong hơn một năm.

Thị trường dầu mỏ tuần này chịu tác động mạnh khi OPEC+ thông báo kế hoạch nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 8, nối tiếp mức tăng tương tự trong tháng 7. Động thái này làm dấy lên lo ngại nguồn cung sẽ vượt cầu khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu vẫn chưa phục hồi rõ rệt.

Tại châu Á, lượng dầu diesel do các doanh nghiệp tư nhân nắm giữ tại khu vực Amsterdam-Rotterdam-Antwerp giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Tại Singapore, lượng tồn kho các sản phẩm chưng cất trung bình cũng đi xuống do xuất khẩu tăng mạnh.

Trong khi đó, lượng dầu nhập khẩu từ Iran vào Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 6, khi các doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng trước khi căng thẳng giữa Iran và Israel bùng phát.

Tại Việt Nam, liên Bộ Công thương – Tài chính vừa điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ chiều 26/6. Theo đó, xăng E5 RON92 tăng 280 đồng/lít, lên mức tối đa 20.911 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 263 đồng/lít, đạt mức 21.507 đồng/lít. Dầu diesel tăng 551 đồng/lít, dầu hỏa tăng 494 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 374 đồng/kg.

Việc điều chỉnh giá lần này nhằm đảm bảo mặt bằng giá trong nước phù hợp với diễn biến thế giới, đồng thời tiếp tục giữ mức chênh lệch hợp lý giữa xăng sinh học và xăng khoáng, góp phần khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Bình luận