Vừa qua, tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 tổ chức, nhiều doanh nghiệp chia sẻ rất quan tâm, lo lắng trước thông tin Hoa Kỳ tăng thuế đối ứng.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam 90 ngày. Do đó, đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ứng phó hiệu quả với sắc thuế mới của Hoa Kỳ hiện nay. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng, sức chống chịu và vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi thương mại toàn cầu.

Ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc công ty dịch vụ tư vấn hải quan và quốc tế PWC bày tỏ tâm tư, khoảng ngày 9/7 là hết thời hạn đàm phán, thì việc áp dụng thuế sẽ xảy ra như thế nào, Việt Nam có thể đàm phán giảm thuế được hay không, rồi các kịch bản sẽ diễn ra thế nào… Doanh nghiệp rất cần thông tin chính xác từ cơ quan quản lý nhà nước như, Việt Nam đang tập trung đàm phán vào lĩnh vực nào; Ta có những gì để đặt lên bàn cân đàm phán với Mỹ, để có thể giảm được thuế quan; Các kịch bản tăng trường GDP là như thế nào hay là có những dự báo, dự trù gì… cần trao đổi rõ với doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm cùng nổ lực cố gắng.
Ông Bill Nguyễn, đại diện công ty Cainver, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ chia sẻ, Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử,...Nếu chính sách thuế đối ứng được áp dụng, chắc chắn tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể kéo theo đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại không chỉ trong nước mà còn đối với toàn cầu.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 khẳng định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, việc duy trì ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cung ứng đầy đủ ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục là cam kết rõ ràng từ ngành ngân hàng. Đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vững bước trong kế hoạch mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững vai trò chủ lực trong tăng trưởng xuất khẩu quốc gia. Trong thời điểm kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, doanh nghiệp cần phải xem đây là thời điểm để doanh nghiệp nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại hướng kinh doanh phát triển, đổi mới, nâng cấp để có thể tham gia chủ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đơn vị sẽ nổ lực hết mình giúp doanh nghiệp đa phương hóa xuất khẩu. Dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết để mở rộng sang các khu vực ít rủi ro hơn. Cùng với đó, với thị trường trong nước đầy tiềm năng, quy mô 100 triệu dân, dân số trẻ, cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa. Coi đây chính là trụ đỡ vững chắc. Đồng thời, phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương với Hoa Kỳ, khẳng định vị thế là đối tác đáng tin cậy trong các lĩnh vực xanh, sạch.