Cá tuyết từng dài hơn một mét và nặng tới 40kg – là loài chủ lực trong ngành đánh bắt cá tại khu vực Baltic – nay đã bị thu hẹp đến mức một con cá tuyết trưởng thành cũng có thể đặt vừa vặn trên đĩa ăn.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, hàng thập kỷ khai thác quá mức và biến đổi môi trường có thể làm thay đổi sâu sắc cấu trúc di truyền của một loài sinh vật biển hoàn toàn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.

Tiến sĩ Kwi Young Han đang cầm một con cá tuyết trưởng thành. - Ảnh: Independent.
Tiến sĩ Kwi Young Han, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Lần đầu tiên ở một loài sinh vật biển, chúng tôi chứng minh được rằng cường độ khai thác quá mức có thể tạo ra những thay đổi tiến hóa trong bộ gen, đẩy quần thể đến bờ vực sụp đổ."
Các nhà nghiên cứu đã phân tích kho lưu trữ sỏi tai – một loại cấu trúc vôi hóa ghi lại quá trình tăng trưởng hàng năm của cá – của 152 cá thể cá tuyết phía Đông Baltic bị khai thác quá mức, được đánh bắt tại lưu vực Bornholm từ năm 1996 đến 2019.
Qua đối chiếu xu hướng tăng trưởng trong 25 năm với dữ liệu biến đổi di truyền toàn hệ gen, các nhà khoa học phát hiện, từ năm 1996 đến 2019, chiều dài cơ thể cùa cá tuyết đã giảm tới 48%. Điều này cho thấy sự suy giảm về kích thước của loài cá này có liên hệ trực tiếp tới những thay đổi gen do tác động của con người.
Các nhà khoa học cho biết, những biến thể gen ở liên quan đến quá trình tăng trưởng ở cá tuyết cho thấy dấu hiệu của chọn lọc có hướng – một hiện tượng di truyền trong đó những đặc điểm nhất định được ưu tiên truyền lại qua các thế hệ.
Một số thay đổi cấu trúc trong bộ gen cũng chỉ ra rằng loài cá này đang thích nghi với môi trường biến đổi, cho thấy hiện tượng kích thước bị thu nhỏ có cơ sở di truyền rõ ràng gắn với tác động của con người.
Bà Han cho rằng, sự sụt giảm nghiêm trọng về kích thước trung bình của cá tuyết có thể liên quan đến tốc độ tăng trưởng bị chậm lại của chúng.
Theo các nhà nghiên cứu, bộ gen của những cá thể cá tuyết tăng trưởng nhanh khác biệt một cách có hệ thống so với các cá thể tăng trưởng chậm, với nhóm cá tăng trưởng nhanh hiện đã gần như biến mất khỏi vùng biển Baltic.
Giáo sư Thorsten Reusch, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, khi các cá thể lớn nhất liên tục bị đánh bắt qua nhiều năm, những con cá nhỏ hơn và trưởng thành nhanh hơn sẽ có lợi thế tiến hóa.
Ông Reusch nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến một quá trình tiến hóa thực sự, do chính con người tạo ra. Điều này vừa thú vị về mặt khoa học, vừa đáng lo ngại về mặt sinh thái.”
Kết quả nghiên cứu này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các chính sách bảo tồn, cần xem xét đến khả năng thích nghi tiến hóa của các loài sinh vật biển trước áp lực từ môi trường và con người.