Các ngành “hot” như Quản trị kinh doanh, Truyền thông đa phương tiện, Ngôn ngữ Anh… tiếp tục dẫn đầu danh sách lựa chọn của nhiều học sinh.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều bạn trẻ không còn chọn ngành chỉ vì xu hướng hay “ngành dễ kiếm việc” như trước. Thay vào đó, các bạn bắt đầu đặt ra câu hỏi sâu hơn: "Ngành này có phù hợp với mình không?", "Môi trường học tập và cơ hội phát triển có bền vững không ?", "Mình có thật sự đam mê ?"

Gia Hân (trường THCS và THPT Trần Cao Vân) đang mong đủ điểm chuẩn để vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Ngân hàng TPHCM.
Với Hân: "Đây không chỉ là ngành học dễ tìm việc mà còn là bước đệm cho sự ổn định lâu dài". Tuy nhiên, Hân cũng nhận thức rõ sự cạnh tranh khốc liệt và đã chuẩn bị thêm phương án dự phòng bằng xét tuyển học bạ.
Thiên Phú (trường THPT Nguyễn Trung Trực) dành gần như trọn năm lớp 12 để nghiên cứu về ngành Quản lý xây dựng và các lĩnh vực liên quan đến môi trường.
Em tự tin nộp hồ sơ vào Đại học Công nghiệp và Đại học Công thương – những trường em tin là phù hợp với năng lực, định hướng và điều kiện gia đình. Quan trọng hơn, em được gia đình ủng hộ tuyệt đối, điều mà nhiều bạn học sinh mong mỏi.

Không chỉ dừng lại ở những lựa chọn phổ biến như kinh tế hay kỹ thuật, một số bạn trẻ lại tìm đến các ngành mang màu sắc sáng tạo và năng động. Yến Nhi và Tuyết Nghi (cùng trường THCS và THPT Trần Cao Vân) đã chọn Truyền thông đa phương tiện như một cách để theo đuổi đam mê cá nhân.
Trong khi Nhi mang tinh thần “cháy hết mình vì đam mê” để theo học ngành Truyền thông đa phương tiện thì Tuyết Nghi thừa nhận rằng, em có nỗi lo về áp lực tài chính và sự thay đổi nhanh chóng của ngành nghề. Tuy vậy, em tin rằng nếu biết nỗ lực đúng cách, ngành nào cũng có thể mang lại giá trị và cơ hội.
Lối đi nào giữa thực tế cạnh tranh?
Không chỉ là câu chuyện của đam mê hay lý trí, chọn ngành còn là bài toán thực tế với nhiều ẩn số: năng lực học tập, tài chính, môi trường đào tạo và nhu cầu thị trường lao động.
Khánh Huy (trường THCS và THPT Trần Cao Vân) thẳng thắn chia sẻ: “Tài chính gia đình không khá giả nên em rất lo lắng, sợ không thể cạnh tranh với các bạn có điều kiện hơn”.
Thiên Kim (THPT Nguyễn Trung Trực) lại có cái nhìn khá thực tế khi chọn ngành Ngôn ngữ Anh – không chỉ vì yêu thích ngoại ngữ mà còn bởi em nhận ra đây là lĩnh vực có tính ứng dụng cao, cơ hội việc làm đa dạng, khả năng thăng tiến tốt.
“Ba mẹ em rất ủng hộ lựa chọn này vì ngành này dễ kiếm việc, thu nhập cũng ổn. Dù vậy, em vẫn sẽ học thêm ngôn ngữ thứ hai để thuận tiện hơn trong công việc”, Kim nói.
Thực tế cho thấy, Ngôn ngữ Anh luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh đăng ký cao, có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục, du lịch đến kinh doanh quốc tế. Song song với đó là áp lực cạnh tranh và yêu cầu liên tục cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng.

Bên cạnh đó, không ít học sinh chọn cách tiếp cận “an toàn cảm xúc”. Uyên Nhi cho biết em không đặt nguyện vọng quá cao để tránh thất vọng. Tuy nhiên, em cũng bày tỏ sự lo lắng về quy chế thi – xét tuyển năm nay với nhiều điểm mới, khiến những học sinh chưa có kinh nghiệm dễ rơi vào trạng thái hoang mang khi đưa ra quyết định.
Chọn ngành học không đơn thuần là điền vào một ô trống trong phiếu nguyện vọng, mà chính là đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình trưởng thành. Đó là quyết định nên được soi chiếu từ nhiều góc độ: đam mê, năng lực, điều kiện thực tế và xu thế thị trường.
Điều này đòi hỏi các bạn trẻ không chỉ lắng nghe từ trái tim, mà còn cần chủ động tìm hiểu thông tin, tham khảo thầy cô, người thân và cả những anh chị đi trước.
Không có con đường nào dễ dàng. Mỗi lựa chọn – dù an toàn hay mạo hiểm – đều cần một tinh thần chuẩn bị nghiêm túc. Sự hiểu mình, kiên trì và khả năng thích nghi sẽ là hành trang quan trọng nhất. Bởi lẽ, ngành học không chỉ quyết định học gì trong 4 năm, mà còn phản ánh người đó là ai, muốn trở thành người như thế nào – và sẵn sàng đi bao xa vì điều đó.