Video công nhân nhập cư bị trói vào xe nâng gây phẫn nộ ở Hàn Quốc

Đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông Sri Lanka bị trói vào xe nâng và nhấc lên khỏi mặt đất tại một nhà máy gạch ở Naju, tỉnh Jeolla Nam, đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng Hàn Quốc.

Đoạn clip ngắn được quay vào đầu tháng 7 và được một mạng lưới nhân quyền của người lao động nhập cư có trụ sở tại tỉnh Jeolla Nam công bố vào ngày 24/7, cho thấy cảnh người đàn ông bị trói bằng màng bọc nilon trong khi xe nâng và vận chuyển anh.

Có thể nghe thấy tiếng cười ở phía sau nhưng không thấy ai cố gắng can thiệp. Một người đã mắng nạn nhân rằng: "Anh nên xin lỗi đi".

lao-dong-nhap-cu-250725
Một người đàn ông Sri Lanka bị trói vào xe nâng và nâng lên khỏi mặt đất tại một nhà máy gạch ở Naju, tỉnh Jeolla Nam - Ảnh: Mạng lưới nhân quyền của người lao động di cư Gwangju Jeonnam

Nạn nhân là một người đàn ông Sri Lanka ngoài 30 tuổi, được cho là đang bị chấn thương tâm lý sau vụ việc.

“Phẩm giá cơ bản của người lao động với tư cách là một con người đã bị xem nhẹ hoàn toàn,” nhóm dân sự này phát biểu trong cuộc họp báo sáng ngày 24/7 – tờ The Korea Herald đưa tin.

“Đây là một hành động phi nhân tính, coi người lao động nhập cư như một công cụ chứ không phải một con người” – nhóm nhân quyền cho biết và kêu gọi chính quyền tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và buộc những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm.

Tổng thống Lee Jae Myung đã lên án đoạn video trên mạng xã hội và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện.

“Tôi không thể tin vào mắt mình khi xem video này”, ông Lee chia sẻ trong bài đăng trên Facebook.

“Thật khó chấp nhận rằng một sự việc như vậy lại xảy ra ở một quốc gia được biết đến là cường quốc văn hóa toàn cầu và là một nền dân chủ kiểu mẫu. Đây là một hành vi bạo lực không thể chấp nhận được đối với một nhóm thiểu số dễ bị tổn thương và là một sự vi phạm trắng trợn nhân quyền” – ông viết

Ông khẳng định: “Cách chúng ta đối xử với những người bất lực và trong hoàn cảnh khó khăn phản ánh phẩm giá thực sự của xã hội chúng ta” và cam kết rằng, chính phủ, bao gồm Bộ Lao động và Việc làm, sẽ tích cực ứng phó để đảm bảo không xảy ra bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền hoặc bóc lột lao động nào bằng cách lợi dụng tình trạng thị thực của người lao động.

Bình luận