Trước làn sóng cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trong việc thu hút du học sinh, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đang lên kế hoạch nới lỏng quy định về chỉ tiêu tuyển sinh đại học đối với sinh viên quốc tế.
Đây được xem là bước chuyển quan trọng nhằm cải thiện sức hút của các trường đại học Nhật Bản trên bản đồ giáo dục quốc tế.
Từ “siết trần” đến “mở cửa” thu hút nhân tài
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt về giới hạn tuyển sinh nhằm ứng phó với tình trạng dân số trong độ tuổi đại học sụt giảm.
Trong bối cảnh xu thế quốc tế hóa giáo dục tăng cao, việc giới hạn như vậy đang trở thành một rào cản khiến Nhật Bản tụt hậu so với các cường quốc giáo dục khác.
Hiện tại, các trường đại học có quy mô lớn tại Nhật chỉ được phép tuyển sinh dưới mức 105% chỉ tiêu. Theo đề xuất mới, ngưỡng trần này sẽ được nới lên mức dưới 110% nếu các trường đáp ứng đủ điều kiện, đặc biệt là các ngành có tiềm năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội Nhật Bản trong tương lai.

Điều kiện chặt chẽ để mở rộng tuyển sinh
Để được cấp phép vượt trần, các trường cần nộp kế hoạch tăng tỷ lệ du học sinh ít nhất 10 điểm phần trăm so với hiện tại, đi kèm các điều kiện khắt khe như:
- Có biện pháp tài chính cụ thể như tăng học phí để đầu tư vào giáo dục tiếng Nhật, hỗ trợ sinh viên quốc tế;
- Đảm bảo an ninh thông tin, ngăn chặn nguy cơ rò rỉ công nghệ hay sử dụng sai mục đích nghiên cứu;
- Duy trì tỷ lệ tuyển sinh đạt ít nhất 90% trong 3 năm gần nhất;
- Có hệ thống quản lý tốt, không để sinh viên quốc tế mất liên lạc hoặc bị phân biệt đối xử.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, từ tháng 2/2026, các trường đại học và khoa trực thuộc sẽ chính thức được áp dụng mức trần mới.
Số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, Nhật Bản hiện có khoảng 87.000 du học sinh bậc đại học, chỉ chiếm 3% tổng số sinh viên thấp hơn mức trung bình 5% của các nước OECD, và thua xa Anh (16%) hay Canada (14%).
Số du học sinh toàn cầu tăng vọt lên 6,4 triệu người vào năm 2023, gấp 4 lần so với hai thập kỷ trước. Nhiều quốc gia như Trung Quốc và Canada đang nhanh chóng tăng sức hấp dẫn với các chính sách linh hoạt, hỗ trợ tài chính và thị thực thuận lợi. Mỹ vốn là điểm đến hàng đầu đang ghi nhận dấu hiệu suy giảm tỷ lệ thu hút du học sinh.
MEXT nhận định, du học sinh không chỉ là nguồn lực tri thức mà còn là động lực phát triển kinh tế. Một quan chức cấp cao của bộ này khẳng định: "Tăng số lượng du học sinh sẽ giúp Nhật Bản xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho tương lai và biến việc tiếp nhận sinh viên quốc tế thành một ngành công nghiệp sinh lợi."
Không chỉ học phí và chi tiêu sinh hoạt, du học sinh còn mang theo sự giao lưu văn hóa, kết nối quốc tế và tiềm năng làm việc lâu dài tại Nhật sau tốt nghiệp điều mà quốc gia đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số đặc biệt cần.
Động thái nới lỏng quy định của Nhật Bản đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược phát triển giáo dục bậc cao. Việc mở rộng cánh cửa cho sinh viên quốc tế không chỉ nhằm cạnh tranh nguồn lực toàn cầu mà còn giúp Nhật Bản tái cấu trúc nền giáo dục đại học trong thời đại hội nhập sâu rộng.