Một ngày sau khi Mỹ và Nhật Bản đạt được thỏa thuận thuế quan, Nhà Trắng đã cung cấp thêm chi tiết về các điều khoản. Trong đó nêu rõ rằng, đồng minh chủ chốt của Washington cũng sẽ tăng cường mua máy bay thương mại do Mỹ sản xuất, bao gồm 100 máy bay Boeing và thiết bị quốc phòng trị giá "hàng tỷ đô la mỗi năm".

Sau nhiều vòng đàm phán, thuế quan của Mỹ đối với ô tô và các hàng hóa nhập khẩu khác của Nhật Bản giảm mạnh xuống còn 15%.
Đối với chính quyền Mỹ, lợi ích lớn nhất là cam kết của Nhật Bản đầu tư 550 tỷ đô la vào nước này, đặc biệt là các khoản tiền sẽ được chuyển hướng vào các lĩnh vực được coi là chiến lược, từ chất bán dẫn và dược phẩm đến cơ sở hạ tầng năng lượng và khoáng sản quan trọng.
Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này đại diện cho cái mà họ gọi là "cam kết đầu tư nước ngoài lớn nhất từng được một quốc gia nào đó đảm bảo". Nhà Trắng ca ngợi thỏa thuận này là "sự tái định hướng chiến lược trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Nhật Bản" sẽ thúc đẩy lợi ích chung của cả hai nước.
Theo thỏa thuận, Nhật Bản cũng sẽ mở rộng tỷ lệ nhập khẩu gạo từ Mỹ theo hệ thống hạn ngạch "tiếp cận tối thiểu" của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nhà Trắng cho biết, Nhật Bản sẽ ngay lập tức tăng lượng gạo nhập khẩu từ Mỹ lên 75%, và "mở rộng đáng kể" hạn ngạch.
Hiện nay, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 770.000 tấn gạo miễn thuế mỗi năm theo khuôn khổ WTO, trong đó Mỹ là nước xuất khẩu số 1, chiếm gần một nửa số lượng, tiếp theo là Thái Lan và Úc.
Trong số đó, có tới 100.000 tấn được nhập khẩu để tiêu thụ trực tiếp. Phần lớn lượng gạo còn lại được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và chế biến thành các sản phẩm thực phẩm khác. Bất kỳ lượng gạo nào nhập khẩu vào Nhật Bản vượt quá hạn ngạch đặc biệt đều phải chịu mức thuế 341 yên (2,3 đô la)/kg.
Các quan chức Nhật Bản cho biết, thỏa thuận này không liên quan đến việc Nhật Bản hạ thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và việc mở rộng tỷ lệ gạo Mỹ theo hạn ngạch đặc biệt sẽ không có tác động đáng kể đến thị trường gạo trong nước.