Nhật Bản đứng trước nguy cơ cạn kiệt matcha vì cơn sốt toàn cầu

Cơn sốt matcha đang lan rộng khắp thế giới, khiến các nhà sản xuất trà xanh truyền thống của Nhật Bản phải lao đao.

Trong khi các quán trà phương Tây liên tục cháy hàng, nhiều nông dân trồng trà tại Nhật buộc phải ngừng nhận đơn mới vì không thể đáp ứng kịp nhu cầu bùng nổ.

Tại một quán matcha nhỏ trên đại lộ Hollywood (Mỹ), nhân viên chỉ biết lắc đầu khi khách gọi món. “Chúng tôi không còn loại đó”, họ nói khi gần như toàn bộ thực đơn matcha hơn 20 loại đều hết sạch. Nhiều vị khách trẻ thất vọng rời đi, mắt vẫn dán chặt điện thoại tìm những quán matcha khác trên Instagram.

matcha 1
Matcha trở thành loại nước uống biểu tượng của sống đẹp, lành mạnh và chữa lành trên mạng xã hội. - Ảnh: Threads.

Matcha không còn là thức uống dành riêng cho tín đồ trà đạo mà đã trở thành biểu tượng của lối sống lành mạnh, tối giản, gắn với thông điệp “chữa lành” đang thịnh hành trên mạng xã hội. Các video pha matcha cùng sữa hạnh nhân, hương vani hay vị dâu tây liên tục thu hút hàng triệu lượt xem.

Tại Los Angeles, quán Kettl Tea — một địa chỉ được giới trẻ mê trà xanh Nhật Bản yêu thích — cũng trong tình trạng tương tự. Người sáng lập quán, anh Zach Mangan, thừa nhận không thể nhập thêm hàng dù đã cố gắng hết mức. “Chúng tôi làm mọi cách nhưng nguồn cung từ Nhật Bản hiện quá tải”, anh nói.

Tại Nhật, matcha được làm từ lá trà tencha, một loại trà xanh cao cấp. Để có bột matcha đúng chuẩn, lá trà phải được che nắng trong khoảng ba tuần trước khi thu hoạch, rồi tách gân bằng tay, sấy khô và nghiền chậm bằng cối đá. Quy trình này giữ được màu xanh rực và hương thơm đặc trưng cho bột matcha, nhưng rất khó để công nghiệp hóa.

matcha 2_voh
Nghề trồng trà, làm bột matcha là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Nhật Bản. Ảnh: JNTO.

Ông Masahiro Okutomi, nông dân trồng trà thế hệ thứ 15 tại tỉnh Saitama, cho biết, trang trại của ông đã phải ngừng nhận thêm đơn hàng mới từ đầu năm nay. “Tôi rất vui khi thế giới ngày càng quan tâm đến matcha, nhưng sản xuất không thể tăng nhanh kiểu đó. Nếu làm ồ ạt sẽ mất đi bản sắc vốn có”, ông nói.

Không chỉ đối mặt với bài toán cung ứng, giá matcha cũng đang leo thang. Mỹ hiện là một trong những thị trường tiêu thụ matcha lớn nhất thế giới, nhưng chính quyền nước này đang xem xét tăng thuế nhập khẩu trà Nhật từ 10% lên 24%. Điều này buộc các thương hiệu trà tại Mỹ phải nâng giá bán, song khách hàng vẫn chấp nhận mua, thậm chí gom nhiều vì sợ khan hàng.

Không chỉ dừng ở các cửa hàng đồ uống, matcha còn trở thành “món đầu tư” béo bở của nhiều influencer và doanh nghiệp khởi nghiệp. Andie Ella, YouTuber người Pháp 23 tuổi với hơn 600.000 người theo dõi, vừa cho ra mắt thương hiệu matcha riêng tại Tokyo và tiêu thụ hơn 130.000 lon chỉ trong vài tháng.

mat cha 2_voh
Nhiều trang trại trà ở Nhật Bản phải chọn chất lượng và số lượng khi nhu cầu về matcha tăng đột biến toàn cầu. Ảnh: Matchaya.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, năm 2024, xuất khẩu matcha chiếm hơn 50% tổng lượng trà xanh xuất khẩu, tăng gấp đôi so với một thập kỷ trước. Tuy vậy, diện tích trồng trà ở Nhật lại đang thu hẹp nhanh chóng. “Chúng tôi chỉ còn khoảng 1/4 số trang trại so với cách đây 20 năm”, ông Okutomi cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu do nông dân già hóa, người trẻ không còn mặn mà với nghề vì công việc nặng nhọc, thu nhập bấp bênh và phải mất nhiều năm mới thành thạo kỹ thuật làm matcha đúng chuẩn.

Cơn sốt matcha đang đặt các làng trà Nhật Bản trước hai lựa chọn: hoặc duy trì chất lượng cao với quy mô giới hạn, hoặc mở rộng sản xuất hàng loạt với giá rẻ nhưng đánh mất giá trị truyền thống.

“Nếu làm đại trà, giá rẻ thì matcha sẽ chẳng còn là matcha Nhật Bản nữa”, ông Okutomi khẳng định. Nhiều nhà sản xuất truyền thống cũng bày tỏ quan điểm tương tự, khi cho rằng giữ gìn bản sắc nghề làm trà mới là giá trị cốt lõi cần bảo tồn, ngay cả trong thời kỳ nhu cầu tăng nóng chưa từng có.

Khi trà xanh matcha đang trở thành thức uống biểu tượng toàn cầu, câu chuyện giữa giữ nghề và chạy theo thương mại hóa vẫn là bài toán nan giải của ngành trà Nhật Bản.

Bình luận