Theo báo Free Press Journal, sau khi xuất viện, anh Ramesh hoàn toàn khép kín, chỉ giao tiếp với người thân ruột thịt. Gia đình cho biết anh thường xuyên tỉnh giấc lúc nửa đêm trong trạng thái hoảng loạn, không thể chợp mắt trở lại. Dù đã được đưa đi điều trị tâm lý, tình trạng tinh thần của anh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Người em họ của nạn nhân cho biết: “Vishwas từ chối nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả bạn bè, người thân từ nước ngoài gọi hỏi thăm. Anh ấy chưa thể vượt qua cú sốc khi chứng kiến anh trai mình tử nạn ngay bên cạnh, và cả ký ức kinh hoàng trong vụ tai nạn vẫn ám ảnh từng ngày”.

Ngày 12/6, chiếc Boeing 787 Dreamliner mang số hiệu AI171 rơi chỉ vài chục giây sau khi cất cánh từ sân bay Ahmedabad (bang Gujarat). Máy bay lao xuống khu ký túc xá Đại học Y BJ, khiến toàn bộ 241 người trên máy bay và 34 người dưới mặt đất thiệt mạng.
Trong số 242 hành khách, chỉ duy nhất Vishwas sống sót. Người anh trai Ajay Ramesh, ngồi ngay bên cạnh anh, không qua khỏi. Hình ảnh Vishwas với khuôn mặt đầy máu và bụi, thất thần bước ra từ đống đổ nát được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khiến nhiều người xót xa.
Ngày 17/6, anh xuất viện, trùng ngày gia đình nhận thi thể người anh sau khi giám định ADN. Sáng hôm sau, chính Vishwas là người vác thi thể anh trai về hỏa táng tại quê nhà.
Trong cuộc phỏng vấn duy nhất với truyền hình Ấn Độ, Vishwas kể lại khoảnh khắc sinh tử: “Khi phần thân máy bay chỗ tôi ngồi rơi xuống tầng trệt ký túc xá và cửa bung ra, tôi biết mình phải tìm cách thoát thân”. Anh không giải thích được vì sao bản thân may mắn sống sót, chỉ nói ngắn gọn: “Có lẽ là số phận”.
Trong lúc gia đình nạn nhân chưa hết đau buồn, báo cáo điều tra sơ bộ vừa công bố đã hé lộ nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. Dữ liệu từ hộp đen cho thấy chỉ vài giây sau khi máy bay cất cánh, cả hai công tắc nhiên liệu trong buồng lái bất ngờ bị chuyển từ chế độ hoạt động sang ngắt chỉ cách nhau đúng một giây. Việc này khiến cả hai động cơ đồng loạt dừng lại khi máy bay đang đạt vận tốc khoảng 180 hải lý/giờ.
Đoạn ghi âm trong buồng lái ghi lại lời một phi công thảng thốt hỏi: “Tại sao lại cắt nhiên liệu?”, người còn lại khẳng định mình không làm điều đó. Dù tổ bay cố gắng phục hồi công tắc và khởi động lại hệ thống, máy bay đã không kịp lấy lại độ cao và lao xuống khu dân cư.
Các chuyên gia an toàn hàng không đánh giá đây là tình huống cực kỳ hiếm gặp. Hai công tắc nhiên liệu vốn được thiết kế đặt giữa hai ghế lái, có thanh chắn và khóa bảo vệ nhằm tránh thao tác nhầm. Chuyên gia David Soucie nhận định: “Gần như không thể có chuyện cả hai công tắc bị tắt đồng thời một cách vô tình”.
Tổ bay của chuyến AI171 gồm một cơ trưởng dày dạn kinh nghiệm với hơn 15.000 giờ bay và một cơ phó cũng có hơn 3.400 giờ tích lũy. Báo cáo điều tra loại trừ các yếu tố như chất lượng nhiên liệu, thời tiết, trọng lượng, cấu hình cất cánh hay va chạm chim trời.