Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, chim bồ câu thành thị đã được xếp vào danh sách động vật hoang dã có hại từ năm 2009.
Mặc dù về mặt sinh học, chúng chỉ sinh sản khoảng hai lần mỗi năm, nhưng nguồn thức ăn dồi dào và việc không có kẻ săn mồi tự nhiên ở môi trường đô thị đã cho phép chúng sinh sản tới sáu lần mỗi năm - dẫn đến tình trạng bùng nổ số lượng.

Dữ liệu giám sát tại các điểm nóng về khiếu nại cho thấy số lượng chim bồ câu đô thị tăng gần 24% chỉ trong ba năm, từ 27.589 con (2021) lên 34.164 con (2024). Số lượng đơn khiếu nại dân sự liên quan cũng tăng hơn 26,8% trong cùng kỳ. Một số chuyên gia còn ước tính tổng số lượng chim bồ câu trên toàn quốc đã tiệm cận mốc 1 triệu cá thể.
Một viên chức phụ trách quản lý động vật hoang dã giải thích: “Ngay cả khi chỉ có 1.000 con bồ câu cái sinh sản hai lần mỗi năm, quần thể có thể tăng thêm 20.000 con trong 5 năm. Khi chim cái bước vào giai đoạn sinh sản, mức tăng trưởng trở nên cấp số nhân".

Sự gia tăng đột biến về số lượng đã gây ra thiệt hại đáng kể: từ phân và lông vũ phủ kín cửa sổ chung cư, các tấm pin mặt trời và xe cộ, cho đến việc ô nhiễm sân chơi và lối đi quanh các trường mẫu giáo. Thậm chí, các di sản văn hóa cũng đang bị ăn mòn bởi chất axit từ phân chim.
Một ví dụ tiêu biểu là ngôi chùa đá Wongaksa cao 10 tầng tại Công viên Tapgol (trung tâm Seoul) hiện đã được che chắn bằng kính bảo vệ để hạn chế tiếp xúc với phân chim gây hư hại lâu dài.
Không chỉ gây thiệt hại tài sản, chim bồ câu còn đe dọa an toàn sức khỏe cộng đồng. Vào năm 2021, một vụ cố gắng xua đuổi chim bằng thiết bị chuyên dụng tại Ga Nowon (Seoul) đã làm thiết bị va vào đường điện, gây gián đoạn dịch vụ tàu điện ngầm.
Seoul là nơi tiên phong, ban hành luật cấm cho chim bồ câu ăn vào tháng 1 năm nay. Tiếp theo là các quận ở Daegu, Gwangju, cùng nhiều thành phố lớn khác như Busan, Incheon và Ulsan cũng đang xúc tiến các quy định tương tự.
Theo chính quyền thành phố Seoul, bất kỳ cá nhân nào bị bắt gặp cho chim bồ câu ăn có thể sẽ bị phạt từ 200.000 đến 1 triệu won (tương đương khoảng 4 đến 20 triệu đồng).
Các chuyên gia môi trường nhấn mạnh rằng hạn chế tương tác giữa người và chim bồ câu là yếu tố then chốt để phục hồi cân bằng sinh thái tại các khu đô thị.
Nhà sinh thái học Kim Sung-soo khẳng định: “Dù hành động cho chim ăn có vẻ là tử tế, nhưng nó phá vỡ sự cân bằng tự nhiên tại các thành phố đông dân và làm gia tăng xung đột. Chúng ta cần những nguyên tắc chung sống thông minh, cân bằng giữa lợi ích của động vật hoang dã và sức khỏe cộng đồng”.