Khởi động “Kỳ hè nông nghiệp xanh  - Hành trình hạt gạo tương lai”

Chương trình được tổ chức nhằm khơi dậy trong thiếu nhi vùng Đồng bằng sông Cửu Long tình yêu  quê hương, ý thức trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.

Chương trình “Kỳ hè nông nghiệp xanh  - Hành trình hạt gạo tương lai” lần đầu tiên thí điểm tại Đồng Tháp, mở ra một hành trình hè đặc biệt dành cho học sinh tiểu học và THCS, giúp các em kết nối trải nghiệm nông nghiệp, giáo dục kỹ năng sống xanh, khám phá các mô hình canh tác bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

img-9829_20250717203603
Phó chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan (nhà báo Xích Lô) - người sáng lập chương trình - Ảnh: Thủy Tiên.

Kỳ hè Nông nghiệp xanh “Hành trình Hạt gạo tương lai” nhằm góp  phần trang bị cho thiếu nhi kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kỹ năng sống thông qua trải nghiệm thực tế.

Tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh cho đội viên, thiếu nhi rèn luyện, tích cực triển khai các phong trào “Thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”; “Ngàn việc tốt” và lan tỏa những giá trị ý nghĩa trong cộng đồng. 

Chương trình được tổ chức với mong muốn khơi dậy trong thiếu nhi vùng Đồng bằng sông Cửu Long tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá nông nghiệp và hướng tới tương lai xanh, nông thôn đáng sống.

Đây sẽ là một chuyến đi khám phá, học hỏi và trưởng thành – không chỉ về địa lý mà còn về nhận thức và cảm xúc, với kỳ vọng thế hệ trẻ – những “mầm xanh” sẽ tiếp nối, gìn giữ và đổi mới nông nghiệp Việt Nam trong thời đại phát triển bền vững.

Tên gọi của chương trình có ý nghĩa là sự kết nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, giữa cánh đồng hôm nay và người kiến tạo ngày mai, hình thành ý thức bảo vệ đất, nước, môi trường và nông nghiệp xanh từ lứa tuổi học sinh; Gắn với Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

img-9826_20250717203603
Các em thiếu nhi trải nghiệm chương trình - Ảnh: Thủy Tiên.

Giữa lòng Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, học sinh sẽ bước vào hành trình ngược dòng thời gian để tìm hiểu lịch sử cây lúa Việt qua những dấu tích của nền văn minh Óc Eo – một trong những cái nôi của lúa nước Đông Nam Á.

Những hoạt động trải nghiệm nổi bật như: Khám phá khảo cổ lúa cổ; Quan sát mẫu lúa carbon hóa trong trưng bày khảo cổ; tìm hiểu kỹ thuật canh tác, tích trữ và chọn giống của cư dân cổ xưa; Nghe kể chuyện về tổ tiên cây lúa Việt:

Các em được nghe câu chuyện về hành trình lúa từ hoang dã đến thuần dưỡng, vai trò của lúa trong đời sống, tín ngưỡng, văn hóa nông nghiệp Việt; Trải nghiệm thủ công: Làm giấy từ thân sen dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp (thân sen, vỏ trấu…) để làm ra giấy tái chế vừa nghệ thuật, vừa bảo vệ môi trường.

Gửi thông điệp xanh vào tương lai: Mỗi bạn nhỏ sẽ viết hoặc vẽ ước mơ, thông điệp về môi trường,hạt gạo, nông nghiệp xanh lên tấm giấy tái chế, và cùng nhau “gieo” vào “Hộp Thời Gian” như một lời hẹn 10 năm sau sẽ cùng nhìn lại.

Các em cũng được trải nghiệm hệ sinh thái lúa mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, học làm nông dân giữa đất trời nước nổi, rèn luyện kỹ năng quan sát môi trường, nhận diện sinh vật nước ngọt, tìm hiểu sự trở lại của sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm gắn liền với sự hồi sinh của hệ sinh thái. Phân tích mối liên hệ giữa con người, đất, nước, đa dạng sinh học, từ đó hình thành tư duy canh tác bền vững và tinh thần công dân sinh thái.

Các em còn có thể “Gieo hạt tương lai” tại HTX Giống Định An: Gặp gỡ người giữ giống, Gieo ước mơ giữa cánh đồng. Tại Hợp tác xã Giống Định An, nơi nổi tiếng với các giống lúa chất lượng cao và mô hình canh tác thuận thiên, các bạn nhỏ có cơ hội gặp gỡ “Nhà khoa học của nông dân”, người dành trọn đời để chọn giống, gìn giữ bản sắc lúa Việt và hướng tới nền nông nghiệp tử tế.

img-9828_20250717203603
Các em thiếu nhi trải nghiệm chương trình - Ảnh: Thủy Tiên.

Chương trình thí điểm tại tỉnh Đồng Tháp (cũ): Thành phố Cao Lãnh, Huyện Lấp Vò, Thành phố Sa Đéc, Huyện Tam Nông.

Chương trình diễn ra trong 4 ngày 3 đêm. Giai đoạn 1 (dự kiến tháng 8/2025): 80 đại biểu là Cháu ngoan Bác Hồ, Chỉ huy Đội, Đội viên tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long với cơ cấu: 25 em là cháu ngoan Bác Hồ, 25 em là chỉ huy Đội, 30 em là đội viên tiêu biểu.

Giai đoạn 2 (dự kiến tháng 9/2025 và tiếp theo): Thiết kế thành các hoạt động hàng tuần, 2 ngày 1 đêm và chương trình đào tạo Kỹ năng nông nghiệp xanh thông qua tiết sinh hoạt Đội và tiết học Phát triển kinh tế địa phương (Có kế hoạch cụ thể sau khi kết thúc giai đoạn 1). 

Sau chương trình, mỗi đại biểu có trách nhiệm chia sẻ lại câu chuyện hành trình, mô hình học tập hoặc kỹ năng đã trải nghiệm cho liên đội và địa phương; tham gia lan tỏa mô hình “Đọc sách cùng Xích Lô” và phong trào thiếu nhi làm chủ hành trình xanh tại cộng đồng.

Bình luận