Trung Quốc ra mắt robot hình người đầu tiên có thể tự vận hành và thay pin

Một công ty công nghệ Trung Quốc vừa công bố đã phát triển thành công robot hình người đầu tiên trên thế giới có khả năng vận hành độc lập và tự động thay pin khi cần thiết.

Công ty UBTech Robotics, có trụ sở chính tại Thâm Quyến, cho biết, mẫu robot hình người Walker S2 của họ có thể hoàn tất quy trình thay pin chỉ trong chưa đầy 3 phút mà không cần tắt máy, cho phép thiết bị hoạt động liên tục với sự can thiệp tối thiểu từ con người.

Theo một đoạn video do UBTech đăng tải trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter cũ) vào tuần trước, Walker S2 có thể di chuyển đến trạm sạc, tháo pin ra khỏi lưng, cắm vào đế sạc và lắp pin mới một cách thuần thục.

UBTech khẳng định, đây là “robot hình người đầu tiên trên thế giới có thể tự động thay pin” và được phát triển với mục tiêu phục vụ “hoạt động liên tục 24/7”.

robot

Robot hình người Walker S2 có khả năng tự thay pin. - Ảnh: UBTech Robotics.

Theo truyền thông Trung Quốc, Walker S2 có khả năng giám sát mức năng lượng của mình và chủ động thay pin khi cần thiết. Hệ thống pin của robot được  thiết kế thông minh, dễ tháo lắp như một thiết bị USB, đồng thời tích hợp công nghệ cân bằng năng lượng, giúp duy trì hoạt động ổn định.

Trước đó, phiên bản robot Walker S1 từng trình diễn khả năng xử lý đa nhiệm tại hội nghị công nghệ AI LEAP 25 ở Ả Rập Xê Út vào tháng 2, trong đó có các thao tác như phân loại và xử lý bưu kiện.

UBTech hiện đang hợp tác với các nhà sản xuất xe điện lớn như Nio và BYD để thử nghiệm việc tích hợp robot hình người vào dây chuyền sản xuất. Dù vậy, công ty vẫn chưa công bố thời điểm chính thức đưa Walker S2 vào sản xuất hàng loạt.

Thâm Quyến hiện là nơi đặt trụ sở của hơn 1.600 công ty robot, đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đẩy mạnh tự động hóa ngành công nghiệp của Trung Quốc.

Theo báo cáo năm 2024 của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), Trung Quốc hiện đứng thứ ba thế giới về mức độ sử dụng robot trong sản xuất, với tỷ lệ 470 robot trên 10.000 lao động – vượt qua cả Đức (429 robot) và Nhật Bản (419 robot), chỉ xếp sau Hàn Quốc và Singapore.

Trung Quốc đã đạt nhiều bước tiến đáng kể trong các công nghệ chủ chốt của ngành robot như điều khiển chuyển động và bộ truyền động servo hiệu suất cao, đồng thời quốc gia này cũng sở hữu đến 190.000 bằng sáng chế liên quan đến robot – chiếm hơn 2/3 tổng số bằng sáng chế toàn cầu trong lĩnh vực này.

Bình luận