Tín dụng tăng mạnh nhất kể từ 2023

Tính đến hết tháng 6/2025, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng tới 19,32% so với cùng kỳ—mức cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố buổi họp báo sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, nửa đầu năm, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Tỷ giá được điều hành linh hoạt, giúp thị trường ngoại tệ ổn định, nhu cầu USD hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Tỷ giá USD/VND diễn biến phù hợp, không gây xáo trộn lớn.

Ngan hang 2025
Theo đại diện NHNN, chỉ sau nửa năm, đã có gần 1,55 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng được bơm ra nền kinh tế, tương đương gần 260.000 tỉ đồng/tháng - Ảnh: PLO 

NHNN cũng giao chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng từ đầu năm với nguyên tắc công khai, minh bạch. Kết quả, gần 1,55 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng đã được bơm ra nền kinh tế trong 6 tháng, tương đương gần 260.000 tỉ đồng/tháng.

Tín dụng chủ yếu chảy vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh. Trong đó, tín dụng nông nghiệp - nông thôn tăng 5,31%, chiếm hơn 23% tổng dư nợ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được rót vốn tăng 5,71%, chiếm 17,51%. Tín dụng xuất khẩu (trừ trái phiếu) tăng 2,91%, còn công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69%.

Dù đạt kết quả tích cực, NHNN cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro. Phó Thống đốc Hà dẫn ví dụ, sáng 8/7, Mỹ công bố áp mức thuế từ 25-40% với hàng hóa từ 14 quốc gia, bắt đầu từ 1/8, kèm cảnh báo sẽ tiếp tục nâng thuế nếu các nước trả đũa. Bối cảnh này khiến áp lực điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong nước gia tăng.

NHNN cam kết tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trọng tâm là đảm bảo thanh khoản hợp lý, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Đặc biệt, tín dụng sẽ được điều hành sát diễn biến thực tế, hướng vào các lĩnh vực trọng điểm như sản xuất, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao... NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đi đôi với quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu.

Song song đó, NHNN tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021–2025, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng, theo NHNN, sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2025.

Bình luận