Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 đề xuất tại Hội nghị BRICS mở rộng

Tại hội nghị BRICS mở rộng, Thủ tướng đề xuất 3 tiên phong trong các mặt hợp tác đa phương, thương mại tự do và trí tuệ nhân tạo.

TTXVN đưa tin, chiều 6/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025, diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.

Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng ở Phiên thảo luận cấp cao về “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo”, trong khuôn khổ hội nghị.

Phiên thảo luận do Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva - Chủ tịch BRICS năm 2025 - chủ trì, với sự tham dự của 35 nhà Lãnh đạo và đại diện các nước thành viên, các nước đối tác và khách mời của BRICS, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các định chế tài chính phát triển của quốc tế và khu vực.

thu-tuong-phat-bieu-tai-phien-thao-luan-cap-cao-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-mo-rong-2025-8134368-1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo" - Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định vai trò thành viên tích cực của Việt Nam, trong nhóm các nước phương Nam đóng góp vào trong quản trị toàn cầu. Việt Nam luôn thể hiện có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp tại các cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối, giải quyết các thách thức chung.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, niềm tin vào các thể chế toàn cầu bị xói mòn, niềm tin hợp tác đa phương bị suy giảm, niềm tin luật pháp quốc tế bị lung lay, Thủ tướng cho rằng các nước cần tiếp tục đề cao đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại để xử lý các thách thức, theo một cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, bao trùm.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu lên tại hội nghị 3 đề xuất

Thứ nhất, BRICS và các nước phương Nam cần tiên phong làm sống động lại chủ nghĩa đa phương, kiên trì đối thoại, hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

BRICS cần tham gia tích cực thúc đẩy cải cách các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và WTO theo hướng đáp ứng thực tế và nhu cầu của các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác Nam-Nam, đẩy mạnh kết nối, xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Thứ hai, tiên phong trong thúc đẩy tự do hóa thương mại, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia.

Để nâng cao tự chủ chiến lược, BRICS và các nước phương Nam cần tăng cường mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng, huy động và chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án y tế, giáo dục, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, tiên phong phát huy sức mạnh của AI để phục vụ con người, chứ không thay thế con người.

Theo Thủ tướng, BRICS cần cùng với các cơ chế đa phương thúc đẩy xây dựng hệ thống quản trị AI toàn cầu công bằng, an ninh, an toàn, dễ tiếp cận. Xây dựng hệ sinh thái AI tuân thủ các giá trị đạo đức, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và lợi ích xã hội.

Hợp tác xây dựng hạ tầng số, các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn xanh và hiệu năng cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình AI vì cộng đồng, giúp mọi người dân tiếp cận và hưởng lợi từ AI.

thu-tuong-phat-bieu-tai-phien-thao-luan-cap-cao-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-mo-rong-2025-8134368-5
Toàn cảnh Phiên thảo luận cấp cao Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 - Ảnh: TTXVN

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ cùng cộng đồng quốc tế không ngừng phấn đấu, đoàn kết và nỗ lực để xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu bình đẳng, bao trùm và bền vững.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tăng cường hợp tác đa phương, nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu, khẳng định cam kết và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, được nhiều nước hoan nghênh, bày tỏ đồng tình và đánh giá cao.

Bình luận