Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS với tư cách nước đối tác, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương chủ động, tích cực và hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
BRICS – nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi – được thành lập năm 2006 với mục tiêu thúc đẩy một trật tự toàn cầu công bằng, cân bằng và đại diện hơn. Qua ba lần mở rộng, đến nay BRICS đã có 10 nước thành viên và 9 quốc gia đối tác. Việt Nam chính thức trở thành đối tác thứ 10 sau khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi thư xác nhận ngày 23/5 và được Brazil công bố vào 13/6/2025.

Hội nghị năm nay diễn ra tại Brazil với chủ đề “Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn”, quy tụ khoảng 20 nguyên thủ quốc gia, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế. Đây là sự kiện đa phương có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch về kinh tế - địa chính trị theo hướng đa cực.
BRICS hiện tập trung vào ba trụ cột hợp tác: chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa - giao lưu nhân dân. Các nội dung hợp tác trọng tâm gồm: thúc đẩy mở rộng thành viên, xây dựng thể chế vững mạnh như Ban Thư ký BRICS, mở rộng vai trò của Ngân hàng Phát triển mới (NDB), hình thành chuỗi cung ứng riêng, hợp tác công nghệ, vũ trụ, y tế, thương mại đa phương và ứng phó biến đổi khí hậu.
Việc Việt Nam trở thành nước đối tác và trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS không chỉ là cơ hội để thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm trong các cơ chế đa phương, mà còn khẳng định tiếng nói của các quốc gia đang phát triển, góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương toàn diện, bình đẳng và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyến công tác của Thủ tướng còn nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Brazil. Sau hơn 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 8 tỷ USD. Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latin.
Hai nước cũng đang đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, năng lượng, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là những trụ cột chính trong Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2025–2030.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược, và tiếp tục khẳng định cam kết đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên toàn cầu.