Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng. GDP quý II ước đạt từ 6,87–6,97%, đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên gần sát mục tiêu 7,58% đã đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt 66,7% dự toán năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tăng tới 33%, cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế đã được cải thiện đáng kể.
Với kết quả đó, Bộ trưởng khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8% trong nửa cuối năm không chỉ mang tính định hướng mà hoàn toàn có cơ sở để thực hiện, nếu các bộ, ngành và địa phương phối hợp hiệu quả, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của cử tri tập trung vào vấn đề hạ tầng, bố trí vốn, và chính sách sau sắp xếp bộ máy. Cử tri đề nghị Chính phủ bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026–2030 để xây dựng 4 hồ chứa nước với tổng dung tích 40 triệu m³, phục vụ hơn 30.000 ha canh tác mắc ca. Nhiều kiến nghị khác xoay quanh chính sách bồi thường, cấp điện nông thôn và điều chuyển trụ sở hành chính sau sắp xếp tổ chức bộ máy.

Về các nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã có phản hồi chính thức. Với trụ sở dôi dư sau sắp xếp, Bộ đồng ý giao lại cho tỉnh sử dụng, nhưng cần phối hợp xử lý nhân sự còn làm việc tại các đơn vị. Riêng khoản bổ sung 266 tỷ đồng đầu tư công trung hạn, Bộ chưa giao do địa phương chưa có vốn đối ứng; nếu bổ sung hợp lý, Bộ sẽ trình Chính phủ.
Về dự án cao tốc Sơn La – Điện Biên, Bộ Tài chính ủng hộ thực hiện đoạn Sơn La – Điện Biên theo hình thức PPP, song đề nghị tỉnh hoàn chỉnh quy mô kỹ thuật (bảo đảm đủ 4 làn xe) và sớm trình lại phương án. Đoạn tiếp theo Điện Biên – Tây Trang sẽ được xem xét bố trí vốn giai đoạn 2026–2030 hoặc cân nhắc sử dụng vốn ODA với yêu cầu giải ngân không quá 15 tháng.
Đối với chương trình cấp điện nông thôn, Bộ Tài chính vẫn đề xuất bố trí tiếp 257 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Tuy nhiên, để được duyệt vốn, tỉnh cần cam kết giải ngân đúng tiến độ, tránh để hủy dự toán.
Bộ trưởng khẳng định, với các tỉnh khó khăn như Điện Biên, Trung ương sẵn sàng hỗ trợ nếu địa phương có đề xuất rõ ràng, có căn cứ pháp lý và đảm bảo khả năng triển khai.
Dịp này, nhằm hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng phát động, Công đoàn Bộ Tài chính và Công ty TNHH Xổ số điện toán Việt Nam đã hỗ trợ 6,48 tỷ đồng xây dựng 108 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo tại tỉnh Điện Biên.