Trước thực tế việc sửa đổi Luật Quy hoạch chưa thể thực hiện ngay, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo các địa phương vẫn triển khai được hoạt động quy hoạch sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, không để xảy ra khoảng trống ảnh hưởng đến đầu tư và phát triển.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đã xây dựng báo cáo và đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm để duy trì tính liên tục trong công tác quy hoạch.

Giải pháp đầu tiên là quy định hiệu lực tiếp tục thi hành đối với các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh. Các địa phương sau sáp nhập sẽ được căn cứ vào quy hoạch cấp tỉnh đã có để phê duyệt chủ trương đầu tư và các dự án phù hợp.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dự thảo nghị quyết nhằm tránh tình trạng các địa phương không có căn cứ triển khai hoạt động khi địa giới hành chính thay đổi. Điều này đặc biệt quan trọng với các dự án đang chờ triển khai, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp và khu vực đầu tư tư nhân.
Một điểm đáng chú ý là các địa phương được phép sử dụng linh hoạt tên địa danh, phạm vi địa lý trước và sau khi sáp nhập trong hồ sơ dự án, cho đến khi có quy định mới.
Đây là giải pháp mang tính chuyển tiếp để không làm gián đoạn các thủ tục hành chính và không ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, xây dựng.
Giải pháp thứ hai cho phép các bộ, ngành và địa phương sử dụng linh hoạt các nguồn vốn như chi thường xuyên, đầu tư công và các nguồn hợp pháp khác để phục vụ công tác nghiên cứu, lập, điều chỉnh quy hoạch. Khác với trước đây chỉ dùng vốn đầu tư công, quy định mới mở rộng khả năng huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch ở cấp địa phương.
Giải pháp thứ ba liên quan đến các quy hoạch đang điều chỉnh, nếu đã được thẩm định thì tiếp tục phê duyệt theo quy trình hiện hành. Trường hợp thực hiện điều chỉnh theo Điều 54 Luật Quy hoạch, sẽ được phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để tránh chậm trễ. Tuy nhiên, các quy hoạch có văn bản đề xuất điều chỉnh sau thời điểm nghị quyết có hiệu lực thì không được áp dụng rút gọn, trừ khi có chỉ đạo từ Bộ Chính trị, Quốc hội hoặc Thủ tướng.
Cùng với đó, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành tiếp tục thực hiện theo quy định tại các luật chuyên ngành liên quan. Chính phủ cũng sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể để quá trình triển khai không bị ách tắc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thông tin, Bộ Chính trị đã chỉ đạo việc sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Ba luật liên quan mật thiết gồm Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và Luật Khoáng sản sẽ được đề xuất sửa đổi đồng thời.
Theo kế hoạch, trước ngày 30/6, Chính phủ sẽ hoàn thiện nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch và báo cáo cơ quan có thẩm quyền trước 15/7, nhằm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.