Khởi công cao tốc kết nối Đà Lạt – TPHCM, rút ngắn thời gian di chuyển còn 3 giờ

VOH - Sáng 29/6, lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương giai đoạn 1 đã diễn ra tại xã N'Thol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm khu vực Tây Nguyên, được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TPHCM và Đà Lạt từ 6 giờ hiện nay xuống còn khoảng 3 giờ.

Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông và đại diện liên danh nhà đầu tư.

lien khuong_voh
Sau khi các dự án đường cao tốc thành phần thuộc trục cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành, thời gian di chuyển TP HCM - Đà Lạt được rút ngắn từ 6 giờ xuống còn khoảng 3 giờ. - Ảnh NLĐ

Dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài hơn 73,6 km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 17.718 tỉ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ở giai đoạn đầu, tuyến đường được thiết kế với nền đường rộng 17m, gồm 4 làn xe, vận tốc khai thác 80 km/giờ. Khi hoàn thiện, tuyến sẽ mở rộng lên nền đường 24,75m, giữ nguyên 4 làn xe nhưng nâng vận tốc thiết kế lên 100 km/giờ.

Khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương sẽ nối liền với các đoạn Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, tạo thành trục cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200 km, kết nối trực tiếp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên. Việc hoàn thiện tuyến này không chỉ giúp rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển mà còn tăng năng lực vận tải, giảm tải cho Quốc lộ 20 và mở ra cơ hội phát triển mới cho các tỉnh trong khu vực.

khoi cong 1_voh
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đại diện các bộ - ngành, 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông và liên danh nhà đầu tư bấm nút khởi công dự án tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. - Ảnh: NLĐ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Doãn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T – đại diện liên danh nhà đầu tư – cam kết sẽ tập trung nguồn lực, thi công đảm bảo an toàn, chất lượng và hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định, chính quyền địa phương sẽ ưu tiên nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư và các đơn vị thi công triển khai dự án. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người dân trong vùng dự án phối hợp giải phóng mặt bằng, bàn giao sớm cho nhà thầu.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đây là dự án giao thông chiến lược, giữ vai trò kết nối quan trọng giữa Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ phát huy tối đa hiệu quả của các đoạn tuyến đã và đang triển khai, giải phóng tiềm năng kinh tế trên hành lang Tây Nguyên – Nam Bộ, tạo động lực phát triển mới cho cả vùng.

Ông Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan phải đồng hành, chủ động phối hợp xử lý nhanh các vướng mắc, không để dự án chậm tiến độ vì thủ tục hành chính. Trong quá trình thực hiện, cần chú trọng công tác tái định cư, đảm bảo nơi ở mới và sinh kế cho người dân tốt hơn nơi cũ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị nhà đầu tư và các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công khoa học với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ 30 tháng, đưa công trình vào khai thác cuối năm 2027.

Khi toàn tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thiện, quãng đường từ TP.HCM đến Đà Lạt sẽ rút ngắn chỉ còn khoảng 3 giờ, thay vì 6 giờ như hiện nay. Công trình không chỉ kết nối giao thông mà còn tạo ra động lực thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế và thu hút đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên.

Bình luận