Đây là nội dung vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện trong Chỉ thị số 20, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn.
Trong nhiều năm qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn nằm trong nhóm đáng báo động trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và chất lượng sống tại đô thị. Thống kê cho thấy, phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch chiếm tới hơn 70% lượng khí thải đô thị, trong đó xe máy là nguyên nhân chính gây bụi mịn và khí độc hại.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội thực hiện một loạt giải pháp, trong đó siết chặt quản lý phương tiện cá nhân, tiến tới hạn chế và loại bỏ xe chạy xăng dầu ra khỏi khu vực trung tâm. Cụ thể, từ 1/7/2026, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm lưu thông trong Vành đai 1. Tiếp đến, từ 1/1/2028, ô tô cá nhân sử dụng xăng dầu cũng bị hạn chế tại khu vực này và Vành đai 2. Đến năm 2030, lệnh cấm được mở rộng ra Vành đai 3.
Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 1 chạy qua hàng loạt tuyến phố trung tâm Hà Nội như Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân, Kim Liên, Hoàng Cầu, Voi Phục, Cầu Giấy, Bưởi… với chiều dài khoảng 15km. Đây là trục giao thông huyết mạch kết nối các quận trung tâm, cũng là khu vực có mật độ phương tiện và mức độ ô nhiễm cao nhất thủ đô hiện nay.
Hiện Vành đai 1 còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đang được hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2025, giúp hoàn chỉnh toàn tuyến.
Song song với việc cấm phương tiện chạy xăng dầu, Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án vùng phát thải thấp, công bố trong quý III/2025. Đến năm 2030, thủ đô phải hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, kết nối các khu vực dân cư lớn với các đầu mối giao thông chính.

Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng điện và năng lượng sạch vào năm 2030, phát triển các trạm sạc cho xe điện tại bến xe, bãi đỗ, khu dân cư và các trạm dừng nghỉ.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sạch, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, đồng thời điều chỉnh tăng lệ phí trước bạ, phí đăng ký, giá trông giữ xe với phương tiện chạy xăng dầu trong khu vực trung tâm.
Hiện Hà Nội có gần 7 triệu xe máy, hơn 1 triệu ô tô cùng 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh hoạt động thường xuyên, trong đó lượng phương tiện lưu thông qua Vành đai 1 mỗi ngày lên tới hàng trăm nghìn lượt.
Theo chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, quyết định cấm xe máy chạy xăng tại khu vực này là bước đi mạnh mẽ và cần thiết. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến giữa năm 2026 không còn nhiều, thành phố phải gấp rút chuẩn bị hạ tầng, nhất là hệ thống trạm sạc, bãi đỗ và phương tiện công cộng.
Ông Tùng đề xuất, ngoài việc khuyến khích các hãng xe triển khai chương trình đổi xe máy điện, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ vay ưu đãi hoặc giảm thuế để người dân có thể tiếp cận phương tiện sạch.
Việc chuyển đổi phương tiện cá nhân sang năng lượng sạch không thể thành công nếu không song hành với phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Thành phố đang đẩy nhanh các dự án đường sắt đô thị, mở rộng hệ thống buýt điện và nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân yên tâm từ bỏ xe máy.
Dự kiến, từ năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thiện quy hoạch các khu vực bãi đỗ, trạm sạc điện, đồng thời ưu tiên cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống vận tải công cộng thân thiện môi trường.
Chỉ thị 20 của Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp mạnh tay về môi trường. Bộ Công an được giao rà soát, xử lý nghiêm vi phạm về môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp và đô thị lớn. Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung phí bảo vệ môi trường với khí thải phương tiện giao thông, còn Bộ Xây dựng thúc đẩy xây dựng hệ thống giao thông công cộng và tiêu chuẩn khí thải mới.
Riêng Hà Nội sẽ thí điểm từ cuối 2025 việc không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong nhà hàng, khách sạn trong Vành đai 1. Đồng thời triển khai xây dựng khu công nghiệp tái chế, nhà máy xử lý rác hiện đại, giảm tỉ lệ chôn lấp và cải thiện chất lượng không khí.