Đây là con số khách quốc tế cao nhất mà Việt Nam đạt được trong nửa đầu năm trong nhiều năm qua, cho thấy tín hiệu phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.
Trong tổng số gần 10,7 triệu lượt khách, đường hàng không vẫn là lựa chọn phổ biến nhất, với 9,1 triệu lượt người, chiếm 85,2% và tăng 22,7% so với cùng kỳ.
Đường bộ đóng góp 1,4 triệu lượt khách (13,1%, tăng 10,9%), và đường biển đạt 181,4 ngàn lượt khách (1,7%, tăng 10,0%).

Phân tích theo khu vực, du khách từ châu Á tiếp tục là nguồn khách lớn nhất, đạt 8,4 triệu lượt người, chiếm 78,9% tổng số và tăng 21,1%. Châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 26,5% với 1,3 triệu lượt khách (12,6%).
Châu Mỹ đón 582,8 nghìn lượt khách (5,5%, tăng 8,6%), châu Úc đạt 304,2 nghìn lượt khách (2,8%, tăng 14,1%). Riêng khách từ châu Phi đạt 25,2 nghìn lượt người, chiếm 0,2% nhưng giảm nhẹ 0,3%.
10 thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 lần lượt là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Australia, Malaysia và Liên bang Nga.
Với kết quả gần 10,7 triệu lượt khách, ngành Du lịch đã đạt 48,5% kế hoạch đề ra cho năm 2025 là đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Việc hoàn thành mục tiêu này sẽ phụ thuộc rất lớn vào chặng đường 6 tháng cuối năm.
Theo thông lệ, khách quốc tế đến Việt Nam thường đông nhất vào các tháng mùa đông (tháng 10 đến tháng 3 hàng năm) do có các kỳ nghỉ lễ lớn như Giáng sinh, năm mới.
Dữ liệu từ năm 2019 cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn so với 6 tháng đầu năm. Do đó, để đạt mục tiêu đề ra, ngành Du lịch Việt Nam cần đón hơn 11,3 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng cuối năm 2025.
Ngay từ đầu năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động giới thiệu và xúc tiến du lịch cả trong khu vực và quốc tế.
Các hoạt động nổi bật bao gồm: Diễn đàn Du lịch Mê Công (MTF) 2025; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Milan (Ý), Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp); Hội nghị Bàn tròn Du lịch ASEAN – Hàn Quốc tại Đà Nẵng; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Đức, Cộng hòa Séc; và Lễ hội Văn hóa, Du lịch Việt Nam tại Ba Lan.
Các địa phương cũng đẩy mạnh kích cầu, đổi mới sáng tạo trong quảng bá, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ và tăng cường quản lý chất lượng.
Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu tham vọng là đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế.
Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và bứt phá của toàn ngành, các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.