Khảo sát gần 5.000 du khách từ 11 quốc gia của BCG cho thấy xu hướng dịch chuyển rõ rệt trong hành vi chi tiêu và thói quen du lịch. Đáng chú ý, các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành, vượt qua cả những quốc gia có truyền thống du lịch mạnh như Mỹ, Anh và Đức.
Trung Quốc được đánh giá sẽ trở thành quốc gia có chi tiêu cao nhất cho du lịch giải trí toàn cầu, với mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có tiềm năng chi tiêu lớn cho du lịch trong tương lai gần.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo là cơ cấu thị trường du lịch sẽ thay đổi mạnh: du lịch nội địa sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và được dự báo tạo ra gần 12.000 tỷ USD vào năm 2040. Du lịch khu vực (giữa các quốc gia gần nhau) sẽ đạt trên 2.000 tỷ USD, còn du lịch quốc tế bằng đường hàng không – dù tăng trưởng nhanh nhất – chỉ chiếm khoảng 1.400 tỷ USD tổng chi tiêu.

BCG nhận định nhóm khách hàng thuộc thế hệ Millennials và Gen Z đang trở thành động lực chính thúc đẩy chi tiêu du lịch toàn cầu. Họ đi du lịch nhiều hơn, lên kế hoạch kỹ hơn và chi nhiều hơn cho trải nghiệm so với các thế hệ trước. Thay vì chọn các kỳ nghỉ thông thường, xu hướng mới là những chuyến đi khám phá văn hóa, sức khỏe, tâm linh và trải nghiệm ẩm thực.
Du lịch ẩm thực, đặc biệt, đang bùng nổ. Người Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia được khảo sát đều xếp ẩm thực là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến. Song song đó, du lịch một mình cũng dần phổ biến – với khoảng 18–39% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng đi du lịch không cần bạn đồng hành.
Một xu hướng đáng chú ý khác là sự phát triển nhanh chóng của hình thức du lịch “bleisure” – kết hợp giữa công việc và nghỉ dưỡng. Hơn 70% du khách tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria, Việt Nam và Ả Rập Xê Út cho biết họ có kế hoạch kết hợp các chuyến công tác và du lịch giải trí. Tỷ lệ này tại Mỹ, Anh và Đức chỉ ở mức 15–30%.
Christina Mühlenbein – Giám đốc điều hành BCG, đồng tác giả báo cáo – nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi sâu sắc về cách du khách lên kế hoạch và tận hưởng kỳ nghỉ. Những thói quen mới, hành vi tiêu dùng số và kỳ vọng cá nhân đang viết lại các quy tắc ngành du lịch – giải trí toàn cầu.”
BCG đánh giá, trong bối cảnh thế giới đang phục hồi sau đại dịch và công nghệ ngày càng hỗ trợ việc đặt dịch vụ linh hoạt, ngành du lịch toàn cầu đang đứng trước một giai đoạn tăng trưởng chưa từng có.