Nhiệt độ cao nhất tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và phía Tây tỉnh Phú Thọ dao động từ 35-37 độ C, có nơi vượt ngưỡng 37 độ C. Riêng Tây Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng cục bộ với nền nhiệt trên 35 độ C, độ ẩm thấp chỉ khoảng 55-60%.
Tình trạng nắng nóng tại miền Bắc được dự báo sẽ giảm dần từ ngày 10/7, trong khi miền Trung tiếp tục ghi nhận mức nhiệt cao trong vài ngày tới. Trong ngày 9 và 10/7, nắng nóng sẽ lan rộng từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và phía Bắc Khánh Hòa với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, có nơi vượt 37 độ C. Độ ẩm tiếp tục ở mức thấp, chỉ 50-55%, làm tăng nguy cơ cháy nổ và cháy rừng.
Từ ngày 11/7, nắng nóng ở Trung Bộ cũng có xu hướng dịu dần, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro thiên tai cấp độ 1.
Chênh lệch nhiệt độ cảm nhận ngoài trời có thể lớn hơn dự báo từ 2-4 độ C nhất là ở khu vực đô thị với nhiều bề mặt hấp nhiệt như bê tông, nhựa đường.

Nắng nóng kết hợp độ ẩm thấp làm tăng nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đồng thời làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở khu vực đồi núi. Người dân có thể bị kiệt sức, sốc nhiệt hoặc đột quỵ nếu tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường từ 11h đến 14h nếu cần thiết phải mặc quần áo dài, đội mũ, đeo kính, khẩu trang, đồng thời uống đủ nước, ưu tiên nước lọc, nước trái cây hoặc nước rau ép nguyên chất.
Ngày 8/7, nhiều địa phương ghi nhận nền nhiệt cao vượt ngưỡng 36 độ C. Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lên tới 36,7 độ C, Cam Ranh (Khánh Hòa) đạt đỉnh 37 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 36,5 độ C và Hòa Bình (Phú Thọ) 36,3 độ C.
Nắng nóng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn cản trở hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Chính quyền và cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt chẽ bản tin thời tiết, chủ động ứng phó và thực hiện các biện pháp phòng tránh nắng nóng một cách nghiêm túc.