Bước 1: Người sử dụng đất nộp hồ sơ đến một trong các địa điểm trên địa bàn cấp tỉnh như trung tâm phục vụ hành chính công, văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Khi nộp hồ sơ, người yêu cầu được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu hoặc nộp bản chính giấy tờ hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực.
Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện kiểm tra hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì trả hồ sơ kèm phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để người yêu cầu đăng ký hoàn thiện, bổ sung theo quy định.
Trường hợp trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận hồ sơ thì chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện kiểm tra hồ sơ, thông tin về người sử dụng đất, ranh giới, diện tích, loại đất của các thửa đất trên hồ sơ lưu trữ.
Đối chiếu quy định tại điều 220 của Luật Đất đai 2024 để xác định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất.
Thành phần hồ sơ của người có nhu cầu tách thửa hoặc hợp thửa đất gồm đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo mẫu số 21 ban hành kèm theo nghị định số 151. Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo mẫu số 22 ban hành kèm theo nghị định số 151 và sổ đỏ đã cấp.
Nếu hồ sơ đủ điều kiện, trong 5 ngày làm việc Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận đủ điều kiện tách thửa, hợp thửa đất kèm các thông tin thửa đất vào đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất, đồng thời xác nhận vào bản vẽ tách thửa, hợp thửa đất để hoàn thiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các thửa đất sau tách thửa, hợp thửa.
Thời gian thực hiện không quá 12 ngày làm việc. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện không quá 22 ngày làm việc.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính gồm cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.