Tung tung tung Sahur, Bánh mì ram ram là gì, vì sao viral mạng xã hội?

VOH - “Tung tung tung Sahur”, “Bánh mì ram ram” là những cụm từ đang thống trị mạng xã hội với hàng triệu lượt xem và loạt meme hài hước được cộng đồng mạng sáng tạo không ngừng.

Dạo gần đây, mạng xã hội ngập tràn loại nội dung “thối não” với tâm điểm là meme “Tung tung tung Sahur” - một trào lưu bắt nguồn từ Tik Tok nhanh chóng lan rộng và trở thành hiện tượng mạng toàn cầu. Bên cạnh đó, tại Việt Nam “Bánh mì ram ram” cũng bất ngờ bùng nổ mạng xã hội, với giai điệu vui nhộn, nội dung vô tri nhưng lại cuốn hút đến khó hiểu.

“Tung tung tung Sahur” là gì?

“Tung tung tung Sahur” là một cụm từ viral bắt nguồn từ các video TikTok. Những đoạn clip này có nhịp điệu vui nhộn, gây cười kết hợp với hình ảnh chuyển động của một khúc gỗ có mắt mũi miệng được tạo ra bởi AI (trí tuệ nhân tạo), đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng mạng xã hội.

voh-tung-tung-tung-sahur-banh-mi-ram-ram-la-gi-vi-sao-lai-viral-mang-xa-hoi

Nguồn gốc “Tung tung tung Sahur”

Thực tế, cụm từ “Tung tung tung Sahur” có nguồn gốc từ truyền thống sử dụng trống bedug để gọi người dân dậy ăn sahur (bữa ăn trước bình minh trong tháng Ramadan) tại  Indonesia và một số khu vực ở Malaysia. Trong đó, âm thanh “tung tung tung” là mô phỏng tiếng trống, còn “Sahur” là từ chỉ bữa ăn sáng quan trọng trước khi bắt đầu nhịn ăn của người Hồi giáo.

Truyền thống này không chỉ mang ý nghĩa thực tế, mà còn là một phần văn hóa đặc sắc, thể hiện không khí cộng đồng trong tháng lễ thiêng liêng.

Ý nghĩa meme “Tung tung tung Sahur” trên mạng xã hội

Ban đầu, cụm từ này được dùng với mục đích nhắc mọi người thức dậy ăn Sahur. Với giai điệu lặp đi lặp lại theo kiểu “Tung tung tung Sahur… Tung tung tung Sahur”, thông điệp mà nó truyền tải rất đơn giản: "Hãy dậy ăn sáng trước khi trời sáng".

Tuy nhiên, khi được kết hợp với nhiều hình ảnh, nhạc nền và các yếu tố kỳ quái theo phong cách AI Brain Rot (meme phi logic, gây nghiện), trào lưu này nhanh chóng viral trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo kênh kinh tế The Economic Times, nhân vật chính trong các video này là một khúc gỗ được nhân hóa, cầm gậy bóng chày xuất hiện trong không gian với màu sắc u ám, kèm theo lời cảnh báo: “Gọi dậy, nếu không sẽ gặp rắc rối”.

Trào lưu “Tung tung tung Sahur” bùng nổ khi nào?

Trào lưu “Tung tung tung Sahur” bắt đầu bùng nổ từ một tài khoản TikTok có tên Susanu Sava-Tudor (Romania). Phiên bản gốc được người này đăng tải vào cuối tháng 2/2025 và nhanh chóng chạm mốc hàng chục triệu lượt xem. Hashtag #italianbrainrot cũng đạt hơn 3 tỷ lượt xem trên TikTok.

Trên nền tảng Know Your Meme, “Tung tung tung Sahur” được xếp vào nhóm meme “brain rot” - những nội dung phi lý, kỳ quái nhưng lại gây nghiện nhờ yếu tố bất ngờ, hài hước và tính chất “ai hiểu thì hiểu”.

Không chỉ dừng lại ở việc xem, “Tung tung tung Sahur” còn trở thành chất liệu sáng tạo cho hàng loạt video parody, điệu nhảy quái dị và những nhân vật hư cấu đầy màu sắc.

“Bánh mì ram ram” là gì?

Khi trào lưu “Tung tung tung Sahur” lan đến Việt Nam, trào lưu này tiếp tục phát triển với nhiều biến thể bản địa như quái vật matcha latte, quái vật học… và nổi bật nhất phải kể đến meme “Bánh mì ram ram” (quái vật bánh mì).

Đây là đoạn video hài hước lấy hình ảnh ổ bánh mì được nhân hóa đi kèm với lời thoại: “Bánh mì! Ram ram! Hãy đầu hàng hoặc bị phết bơ…”

voh-tung-tung-tung-sahur-banh-mi-ram-ram-la-gi-vi-sao-lai-viral-mang-xa-hoi-1

Meme này thường kết hợp với hình ảnh quái vật bánh mì xuất hiện trên phố, kèm âm thanh bắt tay và hiệu ứng phi lý, khiến người xem “thối não nhưng không thể ngừng xem”.

Trên TikTok Việt Nam, đã có hàng loạt clip sáng tạo từ “Bánh mì ram ram” khi dùng thêm filter biến dạng khuôn mặt, hiệu ứng cháy nổ, cùng với âm thanh nền “Banh Mi Ram Ram Funk” làm điểm nhấn khiến trend lan rộng nhanh chóng.

“Tung tung tung Sahur”, “Bánh mì ram ram” - trào lưu “thối não”

Những trào lưu như “Tung tung tung Sahur” hay “Bánh mì ram ram” đều được xếp vào nhóm “brain rot - thối não”. Đây là một dạng trào lưu bắt nguồn từ loạt nhân vật do AI tạo ra - thường là sự pha trộn phi lý giữ con người, động vật và các vật thể vô tri.

Những cái tên như Ballerina Cappuccina (vũ công ba lê đầu tách cà phê), Tralalero Tralala (cá mập ba chân mang giày Nike), Tung Tung Tung Sahur (khúc gỗ có mắt mũi miệng), Bombardiro Crocodilo (Cá sấu máy bay ném bom)… đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với giới trẻ.

voh-tung-tung-tung-sahur-banh-mi-ram-ram-la-gi-vi-sao-lai-viral-mang-xa-hoi-2

Thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram Reel hay Youtube Shorts,… những trào lưu này đã len lỏi vào từng chiếc điện thoại, máy tính của hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.

Hầu hết các meme “thối não” đều không mang ý nghĩa sâu sắc nhưng lại đóng vai trò giải trí, giúp giới trẻ giảm áp lực sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Nhiều người còn hưởng ứng trào lưu bằng cách thử thách nhau đọc đúng tên nhân vật, xếp hạng “quái vật” mạnh nhất hay sáng tạo thêm tình tiết mới.

Tuy nhiên, theo Oxford University Press, nghiện các meme “brain rot” có thể khiến người dùng lãng phí thời gian và giảm khả năng tập trung. Vì thế, cách tốt nhất là chúng ta nên cân bằng giữa giải trí “thối não” và các hoạt động mang lại giá trị kiến thức.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận