Ăn gì để hỗ trợ đào thải kim loại nặng ra khỏi cơ thể?

Cà rốt được xem là một trong những loại thực phẩm có tác dụng giải độc thủy ngân hiệu quả tự nhiên, dễ bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.

Ngộ độc thủy ngân là một trong những nguyên nhân phổ biến của ngộ độc kim loại nặng.

Khi ăn cá và hải sản bị nhiễm thủy ngân, con người có nguy cơ bị tích lũy thủy ngân trong cơ thể, dẫn đến các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thần kinh, thận và tim mạch.

Vậy làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thủy ngân? Và nên ăn gì để hỗ trợ đào thải kim loại nặng ra khỏi cơ thể? Mời mọi người cùng VOH tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

ngo-doc-kim-loai-nang
Đa dạng hóa thực phẩm có thể giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm với các nguồn thủy ngân cụ thể - Ảnh: TVBS


Cách phòng ngừa ngộ độc thủy ngân – kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe

Khương Chí Cương, chuyên gia nghiên cứu về độc chất (còn gọi là nhà độc chất học) người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: ô nhiễm thủy ngân là vấn đề mang tính toàn cầu, tuy nhiên hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm và nhiễm độc thủy ngân thông qua các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

1. Duy trì chế độ ăn cân đối, tránh ăn thiên lệch một loại thực phẩm; việc đa dạng hóa nhóm thực phẩm tiêu thụ giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm với các nguồn thủy ngân cụ thể.

2. Cá là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như axit béo omega-3 và protein chất lượng cao, việc ăn đa dạng các loại cá một cách hợp lý có thể giúp phân tán nguy cơ phơi nhiễm thủy ngân, thay vì chỉ tập trung vào một vài loại có thể chứa nhiều thủy ngân.

3. Phụ nữ mang thai, phụ nữ chuẩn bị mang thai và trẻ nhỏ có nguy cơ cao hơn đối với nhiễm độc thủy ngân. Do đó, nên hạn chế tiêu thụ các loài cá biển lớn có nguy cơ chứa nhiều thủy ngân, như cá thu, cá ngừ đại dương…

4. Nên lựa chọn các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng hoặc từ nhà cung cấp uy tín nhằm đảm bảo thực phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn liên quan đến hàm lượng thủy ngân.

5. Tránh mua và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc hoặc không ghi rõ thành phần trên nhãn sản phẩm, để phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc thủy ngân qua da.

6. Khi mua các sản phẩm có thể chứa thủy ngân như bóng đèn, đèn tuýp huỳnh quang, pin… nên chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.

7. Ưu tiên sử dụng đèn LED chất lượng cao, thay thế cho các loại đèn huỳnh quang chứa thủy ngân, nhằm giảm nguy cơ rò rỉ và ô nhiễm thủy ngân trong quá trình sử dụng và xử lý rác thải điện tử.

Dưỡng chất hỗ trợ thải độc thủy ngân

1. Protein (chất đạm)

Các loại protein giàu axit amin chứa lưu huỳnh có khả năng kết hợp với thủy ngân để tạo thành các phức chất ổn định, từ đó giúp cơ thể loại bỏ độc tố một cách hiệu quả. Protein có mặt trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm protein thực vật và protein động vật. Trong đó, thịt và hải sản là những nguồn cung cấp protein động vật dồi dào, có giá trị sinh học cao, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải độc kim loại nặng như thủy ngân.

2. Selen (Se)

Selen là một vi chất dinh dưỡng có khả năng chống lại độc tính của thủy ngân vô cơ và hữu cơ trong cơ thể, từ đó giảm nhẹ các triệu chứng ngộ độc thủy ngân. Selen là nguyên tố vi lượng, cơ thể chỉ cần với lượng rất nhỏ và thường có thể đáp ứng đầy đủ thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Vì vậy, việc bổ sung selen bằng thực phẩm chức năng thường không cần thiết. Ngược lại, việc tiêu thụ quá mức selen có thể gây hại cho sức khỏe, dẫn đến các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, rụng tóc, tổn thương gan…

3. Kẽm (Zn)

Kẽm có khả năng kích thích cơ thể sản sinh metallothionein, một loại protein giàu lưu huỳnh có khả năng gắn kết với thủy ngân, từ đó giúp giải độc và phòng ngừa ngộ độc thủy ngân. Cơ thể không thể tự tổng hợp hoặc dự trữ kẽm, vì vậy cần bổ sung kẽm hàng ngày qua chế độ ăn hoặc thực phẩm bổ sung khi cần thiết. Các nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt, cá và hải sản, đặc biệt là hàu, thịt bò, thịt heo và cá biển.

4. Vitamin A

Vitamin A có tác dụng ức chế độc tính của thủy ngân hữu cơ đối với tiểu não và các mô thần kinh, qua đó giảm nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương do phơi nhiễm thủy ngân kéo dài. Thực phẩm giàu vitamin A gồm hai nhóm chính:

• Nguồn gốc động vật: như dầu gan cá, gan động vật (gan bò, gan gà, gan cá…

• Nguồn gốc thực vật: chủ yếu là các loại rau củ quả có màu xanh đậm và vàng đậm, chẳng hạn như cà rốt, bí đỏ, rau bó xôi, cải xoăn…

5. Cà rốt

Cà rốt chứa hàm lượng pectin cao, một loại chất xơ hòa tan có khả năng gắn kết với thủy ngân trong đường tiêu hóa, từ đó hỗ trợ đào thải thủy ngân ra khỏi cơ thể, giúp làm giảm nồng độ thủy ngân trong máu. Nhờ cơ chế này, cà rốt được xem là một trong những loại thực phẩm có tác dụng giải độc thủy ngân hiệu quả tự nhiên, dễ bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.

6. Vitamin E

Vitamin E có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại độc tính của methylmercury (thủy ngân hữu cơ), đồng thời giúp trung hòa độc tính của cả methylmercury và ethylmercury, hai dạng thủy ngân thường gặp trong môi trường và thực phẩm. Vitamin E là một vi chất dinh dưỡng phổ biến, có mặt trong nhiều loại thực phẩm. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin E bao gồm:

• Các loại hạt: như hạnh nhân, hạt hướng dương, óc chó

•  Dầu thực vật: như dầu ô liu, dầu hướng dương

• Rau có màu xanh đậm: như cải bó xôi, cải xoăn

Việc bổ sung vitamin E qua chế độ ăn cân đối không chỉ hỗ trợ giải độc thủy ngân, mà còn tăng cường sức khỏe tế bào và hệ thần kinh.

Bình luận