Mật ong kết hợp với quế giúp đẩy lùi mọi bệnh tật?

VOH - Mật ong và quế là những “dược liệu” phổ biến trong các liệu pháp chữa bệnh tự nhiên.

Trong thế giới y học tiên tiến ngày nay, các liệu pháp chữa bệnh tự nhiên vẫn được ưa chuộng.

Gần đây, một liệu pháp chữa bệnh đã lan truyền trên mạng internet, ca ngợi sự kết hợp giữa mật ong và quế, có thể làm giảm nhiều triệu chứng, bao gồm huyết áp cao, cảm lạnh, viêm bàng quang, hạ cholesterol… chúng gần như trở thành một loại “thần dược” có thể giúp chữa khỏi mọi bệnh tật.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mật ong và quế có một số tác dụng điều trị nhất định, nhưng chúng không “thần kỳ” đến mức như nhiều người nghĩ!

mat-ong-va-que
Mật ong và quế không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều tác dụng chăm sóc “sức khỏe” - Ảnh: TVBS

Thái Nghi Phương, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, mật ong và quế không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều tác dụng “sức khỏe” khác nhau, nhưng chúng không thể thay thế “việc điều trị bệnh tật”. Do đó, những người mắc bệnh có thể tham khảo chúng để chăm sóc sức khỏe tổng thể sau khi đã có phương pháp điều trị chung.

Mật ong giàu chất dinh dưỡng

Chuyên gia Thái Nghi Phương cho biết, mật ong tự nhiên bao gồm khoảng 82% nước, carbohydrate, protein, chất hóa học thực vật, chất chống oxy hóa và khoáng chất, trong đó fructose và glucose mỗi loại chiếm hơn 30%.

Ngoài ra, mật ong còn chứa nhiều hợp chất hoạt tính, chẳng hạn như flavonoid, axit hữu cơ, axit phenolic, vitamin và enzyme. Những chất chống oxy hóa phong phú này mang lại cho mật ong đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn, có lợi cho sức khỏe tim mạch, làm giảm các triệu chứng ho và sức khỏe đường tiêu hóa.

Mật ong giúp vết thương mau lành

Nói về ứng dụng của mật ong trong việc chăm sóc vết thương, chuyên gia Thái Nghi Phương cho biết, mật ong không chỉ chứa một lượng lớn đường, có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho các tế bào gần vết thương, mà các axit amin phong phú của nó còn có thể thúc đẩy sự lắng đọng của nguyên bào sợi và sự hình thành collagen, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn và giúp vết thương mau lành.

Tuy nhiên, phương pháp sử dụng không phải là bôi mật ong tươi trực tiếp vào vết thương, mà là sử dụng thuốc có thành phần chiết xuất từ mật ong có thể giúp vết thương mau lành.

Quế có nhiều lợi ích cho sức khỏe

Ngoài mật ong, quế cũng là một “dược liệu” phổ biến trong các liệu pháp chữa bệnh tự nhiên. Chuyên gia Thái Nghi Phương giải thích rằng, quế có thể làm giãn mạch máu ngoại vi và thúc đẩy lưu thông máu.

Tinh dầu dễ bay hơi có trong quế có thể kích thích nhẹ nhàng chức năng tiêu hóa, giúp dạ dày và ruột thải khí, tránh co thắt và thúc đẩy tiêu hóa.

Ngoài ra, quế cũng có thể tăng cường tiết và điều hòa insulin, giúp ổn định lượng đường trong máu và hạ lipid máu, có tác dụng chống nấm và giảm đau. Quế còn thường được người ta sử dụng để làm giảm viêm họng và đau.

Cách dùng mật ong và quế

Về liều lượng dùng mật ong và quế, chuyên gia Thái Nghi Phương gợi ý rằng, trong trường hợp bệnh nặng, chúng ta vẫn cần phải đi khám bệnh và uống thuốc trước. Sau khi điều trị các triệu chứng khẩn cấp, khi bước vào giai đoạn duy trì điều trị, có thể thêm mật ong và quế với liều lượng thích hợp trong chế độ ăn uống chăm sóc sức khỏe.

Chuyên gia Thái Nghi Phương nói, vì mật ong có hàm lượng đường cao (tổng carbohydrate chiếm 80%, fructose và glucose chiếm khoảng 60%), nên muốn chăm sóc sức khỏe thì đồ uống có đường hàng ngày có thể thay thế bằng mật ong. Nếu sử dụng cho mục đích phục hồi sức khỏe, khuyến cáo nên sử dụng mật ong 1 muỗng canh mỗi lần và sử dụng 2 đến 4 muỗng canh mỗi ngày.

Chuyên gia Thái Nghi Phương lưu ý chúng ta rằng, mật ong tươi không nên bôi trực tiếp lên vết thương, mà chúng ta nên sử dụng các sản phẩm chiết xuất mật ong tiệt trùng đạt chuẩn y tế để chăm sóc vết thương.

Ngoài ra, mật ong và quế không phải là “thuốc điều trị” mà là một trong những phương pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trong khi và sau khi điều trị. 

Điều trị các bệnh tật đòi hỏi các loại thuốc mạnh hơn hoặc trực tiếp hơn, kết hợp với những thực phẩm có lợi sức khỏe trong chế độ ăn uống tổng thể để đạt được mục tiêu điều trị bệnh tật nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung.

Bình luận