Uống nhiều đồ uống thể thao không ngọt được không?

Đồ uống thể thao chứa điện giải và đường đơn - hấp thu nhanh, làm tăng đường huyết đột ngột.

Trong những ngày thời tiết oi bức mùa hè, việc bổ sung đủ nước là điều thiết yếu để duy trì chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Khi đi ngoài trời, nhiều người có xu hướng chọn nước giải khát có gas hoặc đồ uống thể thao ướp lạnh để giải nhiệt tức thì.

Tuy nhiên, việc uống thường xuyên các loại đồ uống có đường, kể cả những loại có vị ngọt nhẹ như đồ uống thể thao, cũng có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe chuyển hóa.

Một trong những hậu quả cấp tính có thể gặp phải là “Hội chứng chai nhựa” (trong tiếng Anh là Pet Bottle Syndrome) – một thuật ngữ y tế chỉ tình trạng tăng đường huyết cấp do uống quá nhiều nước ngọt đóng chai trong thời gian dài, đặc biệt là vào mùa hè, thường gặp ở người trẻ tuổi hoặc người đã có yếu tố nguy cơ tiểu đường.

Ở bệnh nhân tiểu đường, tình trạng này có thể dẫn đến tăng đường huyết nặng, nhiễm toan ceton và thậm chí hôn mê, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

do-uong-the-thao-khong-ngot-uong-nhieu-duoc-khong
Đồ uống thể thao giúp người đổ mồ hôi nhiều có thể nhanh chóng bù nước và khoáng chất - Ảnh: TVBS

Uống nhiều nước ngọt mỗi ngày có thể gây khởi phát tiểu đường cấp tính

Bác sĩ Liêu Diệu Bàn, Trưởng khoa Y học gia đình của Bệnh viện Chương Hóa tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, từ những năm 2000, giới y học Nhật Bản đã ghi nhận và đặt tên cho một hiện tượng rối loạn chuyển hóa được gọi là “Hội chứng chai nhựa” (Pet Bottle Syndrome).

Hội chứng này xảy ra ở những người duy trì thói quen uống hơn 1.500 ml đồ uống có đường mỗi ngày, chẳng hạn như nước ngọt, nước thể thao đóng chai. Việc nạp đường đơn quá mức trong thời gian dài có thể dẫn đến hàng loạt triệu chứng điển hình của tiểu đường khởi phát cấp, bao gồm:

•    Khát nước nhiều

•    Mệt mỏi kéo dài

•    Buồn nôn, nôn mửa

•    Nhìn mờ

Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng tăng đường huyết nghiêm trọng cần điều trị bằng insulin đường tiêm để ổn định glucose máu.

Hiện tượng này từng được ghi nhận phổ biến ở người trẻ tuổi tại Nhật Bản, đặc biệt trong nhóm lao động trẻ làm bán thời gian, làm việc ca đêm hoặc sinh hoạt không điều độ.

Bác sĩ Liêu Diệu Bàn cho biết, hiện tượng tương tự “Hội chứng chai nhựa” cũng đã được ghi nhận tại Đài Loan. Các bệnh viện từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân tiểu đường có thói quen uống nước thể thao (hay còn gọi là nước điện giải) do không quá ngọt, có vị ngon, dễ uống, đặc biệt là vào mùa hè với quan niệm “giải nhiệt, hạ hỏa”. Tuy nhiên, việc uống nhiều chai mỗi ngày đã khiến chỉ số HbA1c (hay còn gọi là chỉ số đường huyết trung bình 3 tháng) tăng vọt trong thời gian ngắn.

Một số bệnh nhân vốn được kiểm soát tốt bằng thuốc uống, nhưng sau đợt tăng đường huyết này đã phải chuyển sang điều trị bằng insulin đường tiêm để ổn định glucose máu.

Đồ uống thể thao chứa điện giải và đường đơn - hấp thu nhanh, làm tăng đường huyết đột ngột

Bác sĩ Liêu Diệu Bàn cho biết, thành phần chính trong đồ uống thể thao là đường đơn và các chất điện giải, loại đồ uống này giúp người đổ mồ hôi nhiều có thể nhanh chóng bù nước và khoáng chất.

Tuy đồ uống thể thao không có vị quá ngọt, nhưng thực tế hàm lượng đường trong đó lại rất cao. Đáng lưu ý là loại đường được sử dụng hầu hết là đường đơn (monosaccharide), dạng đường hấp thu nhanh, khiến glucose huyết tương tăng đột ngột ngay sau khi uống.

Hệ quả là cảm giác khát không được cải thiện, dẫn đến uống nhiều hơn nữa, hình thành thói quen uống vài chai mỗi ngày. Về lâu dài, điều này khiến đường huyết khó kiểm soát, chỉ số HbA1c tăng cao, dẫn đến mất kiểm soát bệnh tiểu đường.

Bệnh nhân tiểu đường và người cao tuổi là nhóm nguy cơ cao

Bác sĩ Liêu Diệu Bàn cho biết, ở người trẻ khỏe mạnh, khả năng chuyển hóa đường vẫn còn tốt nên việc tiêu thụ nước ngọt trong thời gian ngắn thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tiểu đường, hội chứng chuyển hóa và người cao tuổi, việc uống nhiều đồ uống chứa đường có thể vượt quá khả năng chuyển hóa glucose của họ, sẽ dẫn đến tích tụ đường trong máu.

Hậu quả là dễ rơi vào vòng xoắn bệnh lý “càng uống càng khát” và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể tiến triển thành Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết (trong tiếng Anh là HHS -Hyperosmolar Hyperglycemic State), đây là một biến chứng cấp tính nguy hiểm với các biểu hiện như:

•    Mất nước nặng

•    Rối loạn tri giác

•    Lú lẫn, thậm chí hôn mê

Tình trạng này cần được xử trí y tế khẩn cấp, đặc biệt ở người cao tuổi và bệnh nhân có bệnh lý nền mạn tính.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng đường mà mỗi người nên tiêu thụ không nên vượt quá 25 gram/ngày, tương đương với khoảng 8 viên đường tinh luyện (dạng hình khối). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một chai nước ngọt có gas 500 ml chứa lượng đường tương đương 18 viên đường, một ly trà sữa chứa khoảng 12 viên đường, một chai đồ uống thể thao chứa khoảng 9 viên đường.

Việc uống thường xuyên các loại đồ uống này dễ khiến lượng đường nạp vào cơ thể vượt xa mức khuyến nghị, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa và các biến chứng mạn tính liên quan đến tim mạch và thận.

Nước dừa hay trà thảo mộc giúp “giải nhiệt - hạ hỏa”?

Bác sĩ Liêu Diệu Bàn cho biết: vào mùa hè, để bù nước hiệu quả và an toàn, nên ưu tiên sử dụng nước lọc hoặc các loại đồ uống không đường có chứa điện giải.
Trong trường hợp có hoạt động thể lực kéo dài hoặc vận động cường độ cao, có thể sử dụng đồ uống thể thao, nhưng nên pha loãng với nước lọc theo tỷ lệ 1:1 để giảm mật độ đường và hạn chế tăng đường huyết đột ngột.

Một số người có thói quen uống nước dừa hoặc trà thảo mộc (như trà thanh nhiệt, trà thanh mát) với mục đích “giải nhiệt – hạ hỏa”. Nếu là nước dừa tươi chưa qua chế biến, thì hàm lượng đường ở mức vừa phải và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trà thảo mộc đóng chai hoặc pha chế sẵn thường được thêm nhiều đường để tăng vị, do đó nên ưu tiên lựa chọn các loại trà không đường.

Dù là đồ uống không đường, mọi người cũng không nên uống quá nhiều, để tránh gây rối loạn điện giải hoặc ảnh hưởng đến chức năng thận.

Bình luận