Một cậu bé 4 tuổi có quầng thâm dưới mắt, mất tập trung và hiếu động thái quá khi còn nhỏ như vậy. Kiểm tra sức khỏe cho thấy cậu bé bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng.
Chứng ngưng thở khi ngủ là một tình trạng phổ biến, trong đó hơi thở của người bệnh bị gián đoạn hoặc ngừng lại trong khi ngủ. Điều này có thể xảy ra nhiều lần trong đêm, làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Sưng amidan do cảm lạnh gây ra ngưng thở khi ngủ
Mạnh Phồn Tuấn, giám đốc Trung tâm Y học Giấc ngủ và là bác sĩ điều trị của Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu có uy tín tại Đài Loan (Trung Quốc) là bác sĩ tiếp nhận trường hợp bệnh nhi này. Trung tâm Y học Giấc ngủ là nơi chuyên về chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu các rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ Mạnh Phồn Tuấn cho biết, bệnh nhi ngủ ngáy to rõ ràng sau khi bị cảm lạnh, kèm theo quầng thâm dưới mắt, mất tập trung và tăng động.
Kiểm tra cho bệnh nhi thấy amidan bị sưng, dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Các cuộc kiểm tra về giấc ngủ tiếp theo phát hiện ra rằng, chỉ số ngưng thở khi ngủ (AHI) của bệnh nhi cao tới 11, đây là tình trạng ngưng thở khi ngủ tương đối nghiêm trọng.
Bác sĩ Mạnh Phồn Tuấn cho biết, bệnh nhi nói trên đã từng tìm đến Khoa Ngoại Lồng ngực, Tai mũi họng và Nha khoa điều trị, nhưng phụ huynh của bệnh nhi không muốn sử dụng máy thở hoặc phẫu thuật quá sớm cho bé.
Sau khi được tư vấn của các bác sĩ, bệnh nhi được sử dụng phương pháp đông y để cải thiện tình trạng thể chất. Không chỉ chứng ngáy ngủ giảm đi mà khả năng học tập và hành vi cũng được cải thiện đáng kể.
Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ
Bác sĩ Mạnh Phồn Tuấn giải thích rằng, phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến, chẳng hạn như giảm cân, nằm nghiêng, tránh rượu bia và thuốc ngủ, đeo máy thở áp lực dương liên tục hiện là những phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Nhưng một số bệnh nhân không tuân thủ tốt, vì vậy có thể sử dụng thiết bị trị liệu ngưng thở khi ngủ áp suất âm hoặc liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục qua mũi, rất hiệu quả và dễ mang theo.
Ngưng thở khi ngủ hãy cảnh giác với chứng mất trí nhớ và ung thư
Ngưng thở khi ngủ không chỉ là tình trạng ngủ không ngon mà còn là căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Bác sĩ Mạnh Phồn Tuấn cho biết, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngưng thở khi ngủ làm tăng một loạt các nguy cơ sức khỏe như huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và thậm chí là chứng mất trí nhớ và ung thư.
Bác sĩ Mạnh Phồn Tuấn giải thích rằng, giấc ngủ lành mạnh có thể tăng cường trí nhớ, tăng cường khả năng miễn dịch và duy trì sự cân bằng cân nặng.
Tuy nhiên, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều lần ngừng thở vào ban đêm, mỗi lần kéo dài tới 10 giây hoặc thậm chí lâu hơn, khiến cơ thể liên tục rơi vào tình trạng thiếu oxy, đẩy nhanh quá trình lắng đọng protein tau và protein beta-amyloid trong não, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và cũng dẫn đến tình trạng kháng insulin, gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường.
Ngáy ngủ là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe.
Bác sĩ Mạnh Phồn Tuấn nhấn mạnh rằng, ngủ ngáy to là triệu chứng rõ ràng nhất của chứng ngưng thở khi ngủ. Trên thực tế, chứng ngưng thở khi ngủ không phân biệt nhóm tuổi. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở tuổi trung niên, tăng dần theo tuổi, nam nhiều hơn nữ.
Đặc biệt, những người béo phì, người có chu vi cổ dày, người trung niên và cao tuổi hoặc những người có amidan to là những nhóm có nguy cơ cao. Bác sĩ Mạnh Phồn Tuấn khuyến cáo cần phát hiện sớm và điều trị tích cực đối với hội chứng ngưng thở khi ngủ.