Ăn thịt quá nhiều, đặc biệt là thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, không chỉ gây áp lực cho gan và thận, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Mọi người có chắc rằng lượng thịt mình ăn mỗi ngày là “vừa đủ” không? Việc ăn quá nhiều thịt, nhất là ăn thường xuyên trong thời gian dài, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nội tạng, gây tích tụ độc tố, rối loạn chuyển hóa đạm (hay rối loạn chuyển hóa protein) và tăng gánh nặng cho hệ bài tiết.

Ăn quá nhiều thịt có thể gây tổn hại gan và thận
Hứa Thụy Hân, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, việc tiêu thụ thịt quá mức không chỉ làm suy giảm chức năng gan và thận, mà còn tăng gánh nặng chuyển hóa, tăng stress oxy hóa và áp lực giải độc cho cơ thể.
Những yếu tố này đều là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ung thư, đặc biệt nếu duy trì trong thời gian dài mà không điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.
Chuyên gia Hứa Thụy Hân cho biết thêm: lượng protein (chất đạm) được hấp thu từ chế độ ăn, dù có nguồn gốc động vật hay thực vật, nếu vượt quá nhu cầu sinh lý và sinh hóa của cơ thể, phần dư thừa sẽ không được dự trữ, mà buộc phải chuyển hóa qua chu trình ure tại gan, tạo thành urea.
Urea sau đó được vận chuyển theo dòng máu đến thận, trải qua quá trình lọc cầu thận và bài tiết ra ngoài qua nước tiểu.
Quá trình này vô hình trung làm tăng gánh nặng cho thận, đồng thời làm suy giảm chức năng giải độc và thải độc của gan và thận nếu kéo dài.
Việc tiêu thụ protein quá mức có thể làm tăng gánh nặng cho gan và thận
Chuyên gia Hứa Thụy Hân lấy ví dụ, khi nạp vào quá nhiều protein có nguồn gốc động vật, lượng methionin dư thừa, một loại axit amin chứa lưu huỳnh sau khi bị phân giải, có thể làm tăng thải canxi qua nước tiểu.
Do đó, việc tiêu thụ thịt quá mức không chỉ làm suy giảm chức năng gan và thận, mà còn gia tăng áp lực chuyển hóa, stress oxy hóa và gánh nặng giải độc… tất cả đều là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ung thư nếu kéo dài và không được kiểm soát.
Ăn quá nhiều thịt có gây ung thư không?
Chuyên gia Hứa Thụy Hân cho biết: ung thư thường khởi phát từ sự đột biến trong vật chất di truyền của tế bào bình thường, dẫn đến hình thành các tế bào bất thường và phát triển thành ung thư. Quá trình này bị thúc đẩy bởi những yếu tố vi môi trường bất lợi, đặc biệt là: tình trạng stress oxy hóa kéo dài và phản ứng viêm mạn tính.
Việc ăn quá nhiều thịt, nhất là thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, có thể gia tăng các yếu tố trên, từ đó tăng nguy cơ khởi phát và phát triển tế bào ung thư theo cơ chế gián tiếp.
Khi tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật, đặc biệt là thịt, người ăn thường đồng thời hấp thu một lượng đáng kể axit béo bão hòa và cholesterol. Chuyên gia Hứa Thụy Hân nói, những thành phần này được xem là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư, vì chúng có thể: thúc đẩy stress oxy hóa và kích hoạt phản ứng viêm mạn tính trong cơ thể.
Cả hai yếu tố này đều góp phần tạo ra vi môi trường thuận lợi cho đột biến tế bào và hình thành tế bào ung thư, nếu tình trạng kéo dài và không được kiểm soát bằng chế độ ăn hợp lý.
Chuyên gia Hứa Thụy Hân giải thích thêm, trong y học, đặc biệt là trong nghiên cứu về ung thư, “vi môi trường” (trong tiếng Anh là microenvironment) chỉ môi trường xung quanh tế bào ung thư, bao gồm các yếu tố như tế bào, mô liên kết, chất nền ngoại bào và các yếu tố khác, có vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến triển của khối u.
Nên ăn bao nhiêu thịt là đủ?
Vậy lượng protein bao nhiêu là ăn quá mức và có thể gây hại cho sức khỏe? Chuyên gia Hứa Thụy Hân cho biết, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), lượng protein không nên vượt quá 35% tổng năng lượng hàng ngày. Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) khuyến cáo: không nên vượt quá gấp đôi lượng protein được khuyến nghị hàng ngày, lượng protein nên chiếm khoảng 10–20% tổng năng lượng khẩu phần.
Những hướng dẫn này cung cấp giới hạn tham khảo hợp lý để tránh nguy cơ gây độc sinh lý do tiêu thụ protein quá mức, đặc biệt từ nguồn thịt động vật.
Lượng protein khuyến nghị hàng ngày thường là 0.8 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể cho người lớn ít vận động, nhưng có thể tăng lên 1,2-1,7 gram/kg cho người tập thể dục thường xuyên.
Một số vận động viên có thể cần tới 3.5 gram/kg, nhưng đa số người trưởng thành khỏe mạnh có thể dung nạp tới 2 gram cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày trong thời gian dài.