Nhiều người không thích ăn được đậu bắp, còn bạn có thích ăn đậu bắp không? Bác sĩ cho biết: đậu bắp không chỉ ngon miệng, mà còn có thể hỗ trợ ổn định đường huyết, bảo vệ chức năng não bộ và chống viêm.
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận hiệu quả sinh học tích cực của loại thực phẩm này đối với chuyển hóa glucose, điều hòa lipid máu và ức chế phản ứng viêm thần kinh.

Đậu bắp có thể bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương do stress oxy hóa?
Lưu Bác Nhân, bác sĩ Chuyên khoa Y học chức năng (còn gọi là Phục hồi chức năng) giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, đậu bắp có thể giúp hạ đường huyết nhờ chứa nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, có khả năng làm chậm quá trình hấp thụ đường trong ruột, từ đó giúp ổn định đường huyết. Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng đậu bắp bằng nhiều cách như ăn trực tiếp, uống nước ngâm đậu bắp hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác để tăng hiệu quả ổn định đường huyết.
Một nghiên cứu mới công bố năm 2025 đã phát hiện rằng, chuột thí nghiệm được cho ăn chế độ giàu chất béo và đường có biểu hiện suy giảm trí nhớ và tăng tình trạng viêm trong não bộ.
Tuy nhiên, khi được bổ sung polysaccharide chiết xuất từ hạt đậu bắp, các chỉ số sau đây đã được cải thiện rõ rệt:
• Khả năng trí nhớ được cải thiện
• Giảm nồng độ các chất trung gian gây viêm thần kinh ví dụ như TNF-α và IL-1β
• Tăng cường khả năng chống oxy hóa nội sinh
• Giảm tổn thương do các gốc tự do
Kết quả này cho thấy polysaccharide chiết xuất từ hạt đậu bắp có tiềm năng sinh học trong việc bảo vệ não bộ khỏi các rối loạn chuyển hóa và viêm thần kinh liên quan đến chế độ ăn không lành mạnh.
Bác sĩ Lưu Bác Nhân giải thích, công dụng của đậu bắp có được là nhờ đồng thời kích hoạt hai cơ chế sinh học quan trọng – đó là chống oxy hóa và chống viêm.
Nói cách khác, đậu bắp không chỉ giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương do stress oxy hóa, mà còn giảm thiểu tác hại của phản ứng viêm mạn tính lên não bộ.
Với những công dụng tự nhiên này, đậu bắp có thể mang lại lợi ích đáng kể cho con người ở xã hội hiện đại - những người thường xuyên lao động trí óc cường độ cao, sống trong trạng thái căng thẳng kéo dài hoặc đang gặp tình trạng suy giảm trí nhớ sớm.
Đậu bắp giúp hạ đường huyết, cholesterol xấu và chỉ số đường huyết trung bình trong khoảng 2-3 tháng gần đây
Bác sĩ Lưu Bác Nhân nói, không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe não bộ, đậu bắp còn là lựa chọn lý tưởng trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường hoặc những người có đường huyết không ổn định.
Bác sĩ Lưu Bác Nhân cho biết: một nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Nutrition đã tổng hợp dữ liệu từ 8 thử nghiệm lâm sàng, cho thấy:
• Đậu bắp có khả năng làm giảm đường huyết lúc đói
• Giảm chỉ số HbA1c (hay còn gọi là Hemoglobin A1c, là một chỉ số xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết trung bình trong khoảng 2-3 tháng gần đây) - trung bình khoảng 0,46%
• Đồng thời giảm cholesterol và LDL-C (hay còn gọi là cholesterol LDL, là một loại lipoprotein có tỷ trọng thấp, thường được gọi là cholesterol xấu).
Những kết quả này cho thấy đậu bắp có tiềm năng như một thực phẩm chức năng hỗ trợ kiểm soát đường huyết và lipid máu, phù hợp trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường type 2.
Công dụng này chủ yếu đến từ việc đậu bắp chứa hàm lượng cao chất xơ hòa tan và polysaccharide, chúng có khả năng:
• Làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate
• Giảm dao động đường huyết sau ăn
Nhờ khả năng này, đậu bắp đặc biệt phù hợp với những người có tình trạng kháng insulin, tiền tiểu đường, hoặc thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi sau bữa ăn, những biểu hiện điển hình của rối loạn chuyển hóa glucose.
Cách chế biến đậu bắp đơn giản hỗ trợ kiểm soát đường huyết và giảm viêm
Bác sĩ Lưu Bác Nhân gợi ý 3 cách chế biến đậu bắp đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp để bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày nhằm hỗ trợ kiểm soát đường huyết và giảm viêm, cụ thể như sau:
1. Đậu bắp trộn rau thanh đạm
Rửa sạch đậu bắp, chần sơ trong nước sôi khoảng 30 giây, sau đó cắt lát mỏng. Trộn đều với nước tương ít natri và cá ngừ bào khô (trong tiếng Nhật là katsuobushi) để tạo thành món rau trộn thanh đạm, dễ tiêu hóa, giúp giảm cảm giác ngán ăn và tăng lượng chất xơ hòa tan trong khẩu phần ăn.
2. Canh súp miso với đậu bắp
Cho thêm đậu bắp cắt lát mỏng và đậu hủ non vào nước canh súp miso. Món ăn có kết cấu mềm mượt, dễ tiêu hóa, đồng thời giúp bảo vệ niêm mạc tiêu hóa và hỗ trợ nhu động ruột nhờ hàm lượng chất nhầy và chất xơ hòa tan từ đậu bắp.
3. Đậu bắp xào tỏi
Phi thơm tỏi băm trong chảo nóng, sau đó cho đậu bắp đã rửa sạch và cắt khúc vào xào nhanh khoảng 2 phút. Món ăn không chỉ giàu chất xơ, vitamin C và các hợp chất chống oxy hóa, mà còn có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn, dễ ăn, phù hợp ăn kèm với cơm trong bữa chính hàng ngày. Đồng thời, giúp hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát đường huyết hiệu quả nếu sử dụng thường xuyên với lượng hợp lý.
Chất nhầy trong đậu bắp là phần bổ dưỡng nhất
Bác sĩ Lưu Bác Nhân nhấn mạnh: một điểm quan trọng cần lưu ý là, lớp chất nhầy của đậu bắp chính là thành phần có giá trị dinh dưỡng cao nhất.
Khi chế biến, không nên xào quá lâu hoặc tìm cách loại bỏ chất nhầy của đậu bắp, vì điều này sẽ làm mất đi phần lớn dưỡng chất có lợi của nó, đặc biệt là chất xơ hòa tan và polysaccharide thực vật.
Về xu hướng uống nước ngâm đậu bắp (hay nói ngắn gọn là nước đậu bắp), tuy phương pháp này có thể chiết xuất một phần nhỏ các thành phần tan trong nước, nhưng hiệu quả rất hạn chế, không thể thay thế giá trị dinh dưỡng của việc ăn trực tiếp cả trái đậu bắp. Do đó, để hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, chúng ta nên ăn nguyên trái đậu bắp đã nấu chín sơ qua thay vì chỉ uống nước ngâm đậu bắp.